|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research dự báo quý I: Hoà Phát tiếp tục thua lỗ, nhóm bán lẻ điêu đứng, doanh nghiệp phân bón hết thời lãi đậm

15:52 | 10/04/2023
Chia sẻ
SSI Research dự báo lợi nhuận nhóm bán lẻ như FRT, DGW có thể giảm mạnh quý I trong bối cảnh sức cầu yếu. Ông lớn ngành thép là Hoà Phát có thể tiếp tục thua lỗ quý thứ 3 liên tiếp trong khi Hoa Sen dự báo có lãi trở lại.

SSI Research vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023 của 32 công ty trong phạm vi nghiên cứu. Trong số các công ty phi tài chính, 10 công ty dự kiến tăng trưởng lợi nhuận dương có mã chứng khoán: ACV, CTR, DBD, FPT, IMP, KBC, PVD, PVT, QNS, VRE. 12 công ty được dự báo lợi nhuận sụt giảm có mã chứng khoán: BSR, DCM, DGW, DPM, FRT, GAS, HAH, HPG, HSG, QTP, TRA, VTP. 

Lợi nhuận CTR và FPT có thể tăng 19-20% quý I

Trong quý I/2023, SSI Research dự báo, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR) và Tập đoàn FPT (Mã: FPT) tăng lần lượt 20%, 19% so với cùng kỳ.

Đơn vị phân tích cho rằng, Viettel Construction sẽ được hưởng lợi từ mảng cho thuê trạm BTS (trạm thu, phát sóng thông tin di động) khi Bộ Thông tin và Truyền thông đã khởi động đấu giá băng tần mới 4G & 5G.

Còn động lực tăng trưởng chính của FPT sẽ đến từ mảng công nghệ thông tin toàn cầu, mảng giáo dục và dịch vụ viễn thông. Bên cạnh đó, sự hồi phục của đồng yen trong tháng 3 có thể là dấu hiệu tích cực đối với doanh thu từ thị trường Nhật Bản.

 Lợi nhuận quý I/2023 của FPT có thể tăng 19% so với cùng kỳ. (Ảnh minh hoạ: Lâm Anh).

Một doanh nghiệp khác trong nhóm Viettel là Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post - Mã: VTP) được dự báo LNTT giảm 41% so với cùng kỳ đạt 72 tỷ đồng do thị phần giảm và chi phí tăng cao.

Hoà Phát tiếp tục thua lỗ, Hoa Sen có lãi trở lại

Theo SSI Research, một số công ty ngành thép như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) sẽ chứng kiến lợi nhuận suy giảm trong quý đầu tiên của năm 2023.

Theo đó, Hoà Phát có thể ghi nhận lỗ trong quý I/2023 so với mức lợi nhuận dương 8.200 tỷ đồng trong quý I/2022 do công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu. Tuy nhiên, mức lỗ có thể ít hơn so với mức lỗ của 2 quý liền trước nhờ sự hồi phục của giá thép.

Còn với Hoa Sen, đơn vị phân tích cho rằng, lợi nhuận công ty đã có sự hồi phục khả quan kể từ tháng 2 và có thể đạt 50 tỷ đồng trong quý II niên độ tài chính năm 2023 nhờ giá thép phục hồi. Tuy nhiên, so với kết quả trong quý 2 niên độ tài chính năm 2022, mức lợi nhuận trong quý vừa qua vẫn có thể giảm hơn 70%.

Hoà Phát có thể tiếp tục lỗ trong quý I/2023. (Ảnh minh hoạ: Hoà Phát).

PVD khởi sắc, GAS và BSR tăng trưởng âm

Trong quý I/2023, đơn vị phân tích dự báo, LNTT của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) sẽ tăng lên 52 tỷ đồng (từ mức âm trong năm trước) do giá cho thuê bình quân của công ty đối với các hợp đồng năm 2023 cao hơn nhiều so với năm 2022 (giá cho thuê trên thị trường dao động từ 90.000 - 105.000 USD/ngày), đồng thời công suất hoạt động cũng cao hơn nhờ nhiều hợp đồng hơn so với năm ngoái.

Tương tự, LNTT quý I/2023 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (Mã: PVT) kiến tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ giá tàu cho thuê cao hơn và mở rộng đội tàu.

Trái ngược với nhiều công ty trong ngành được dự báo tăng trưởng lợi nhuận dương vào quý I/2023, SSI Research cho rằng, LNTT của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) sẽ giảm hơn 50% so với cùng kỳ do giá dầu giảm và crack spead thu hẹp hơn.

Còn lợi nhuận của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) sẽ giảm hơn 15% so với cùng kỳ do sản lượng giảm ở mức một con số và giá dầu Brent trung bình giảm khoảng 18% so với cùng kỳ.

Kênh ETC và OTC hồi phục, hỗ trợ lợi nhuận nhóm dược phẩm

Về các công ty ngành dược, SSI Reseach dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar - DBD) tăng trưởng hai con số trong 2 tháng đầu năm nhờ các sản phẩm chủ lực là thuốc kháng sinh và thuốc điều trị ung thư. Cụ thể, doanh thu quý I/2023 ước đạt khoảng 410 tỷ đồng, LNTT khoảng 73 tỷ đồng tăng lần lượt 10%, 15% so với cùng kỳ.

Còn CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) dự kiến có doanh thu tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của cả kênh ETC và OTC, cũng như việc giành thị phần từ các đối thủ cạnh tranh. Đơn vị phân tích kỳ vọng, vọng doanh thu quý I/2023 của IMP sẽ đạt 530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ đồng tăng lần lượt 69%, 66% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, doanh thu của CTCP Traphaco (Mã: TRA) được dự báo giảm 4% so với cùng kỳ xuống 600 tỷ đồngLNST đạt 80 tỷ đồng giảm 10% so với cùng kỳ do sức mua cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe suy yếu. Ngoài ra, chi phí bán hàng trong quý I/2023 dự kiến tăng do công ty phải triển khai các chương trình quảng cáo sản phẩm mới.

Lợi nhuận công ty ngành dược diễn biến trái chiều. (Ảnh minh hoạ: Lâm Anh).

Nhóm phân bón hết thời lãi đậm, bán lẻ điêu đứng vì sụt sức mua 

Theo đơn vị phân tích, giá ure giảm sẽ là nguyên khiến lợi nhuận một số công ty phân bón sụt giảm trong quý I/2023. Đây cũng có thể là quý ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm đáng kể nhất.

Theo đó, LNST của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) ước giảm 81% so với cùng kỳ xuống 283 tỷ đồng. Còn Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) sẽ ghi nhận 350 tỷ đồng LNST, giảm 84% so với quý I/2022.

Trong bối cảnh ngành bán lẻ chịu sức ép vì sức mua giảm, lợi nhuận của hai công ty cùng ngành bán lẻ là CTCP Thế giới số (Digiworld – Mã: DGW) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) được dự báo giảm sâu trong quý I/2023 do doanh thu từ điện thoại, máy tính xách tay giảm. Cụ thể, LNST của Digiworld ước giảm 60% so với cùng kỳ xuống 85 tỷ đồng. Còn LNTT của FPT Retail giảm 70% so với cùng kỳ xuống 60 tỷ đồng.

Cũng chịu áp lực của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, LNST của cổ đông công ty mẹ CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) trong quý I/2023 được dự giảm 50% so với cùng kỳ do giá cho thuê và giá giao ngay đều giảm.

Một doanh nghiệp trong nhóm nhiệt điện là CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) dự báo lợi nhuận có thể giảm hơn 40% so với cùng kỳ do giá than tăng cao.

Lợi nhuận loạt doanh nghiệp có thể tăng hai chữ số quý I

Trái ngược với một số ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực của sự suy thoái kinh tế thì vẫn có nhiều doanh nghiệp được dự báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Đối với Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), doanh nghiệp có thể bàn giao diện tích đất khá lớn tại các khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn Hạp Lĩnh và KCN Quang Châu cho một số khách thuê chính và dự kiến sẽ thúc đẩy lợi nhuận quý I/2023 tăng trưởng khoảng 70% so với cùng kỳ

SSI Research dự báo lợi nhuận CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) có thể tăng 60% so với cùng kỳ nhờ chấm dứt hoàn toàn việc hỗ trợ tiền thuê do COVID-19; đóng góp từ 3 trung tâm thương mại mới khai trương trong quý II/2022; kết quả vận hành các trung tâm thương mại tiếp tục cải thiện.

Trong diễn biến ngành hàng không được kỳ vọng khởi sắc khi Trung Quốc mở cửa trở lại, SSI Reseach cho rằng, trong quý I, LNTT của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) có thể tăng trưởng 50 – 70% so với cùng kỳ do mức nền thấp được thiết lập trong năm trước và lượng khách du lịch quốc tế phục hồi mạnh (đạt khoảng 60% so với trước COVID -19).

Một đại diện trong ngành đường là CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng LNST khoảng 30 - 35% so với cùng kỳ trong quý I/2023. Trong đó, mảng đường là động lực tăng trưởng doanh thu và LNTT chính với sản lượng tiêu thụ cao.

Lâm Anh

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.