VASEP: Nếu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cần tính toán mức giá hợp lý để không gây cú sốc cho doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), giá điện tăng có tác động trên diện rộng đối với các ngành sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, nhất là doanh nghiệp thủy sản sử dụng nhiều điện để hoạt động như cấp đông, trữ đông…
Từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng nhu cầu thị trường sụt giảm, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất còn duy trì ở mức cao. Việt Nam với độ mở của nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro từ diễn biến khó lường ở bên ngoài.
"Nếu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin.
Mức tăng và lộ trình phải bảo đảm tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá, đảm mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định hoạt động của doanh nghiệp, cần phân nhóm khách hàng hợp lý, quy định bậc cụ thể cho từng đối tượng, và chọn thời điểm tăng hợp lý" VASEP kiến nghị.
Hiệp hội nói thêm, năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều, cũng cần tránh tạo cú sốc về giá điện cho các doanh nghiệp sản xuất.
"Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị "Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/2: Giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Giá điện phải phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế và mức thu nhập của người dân", VASEP trích dẫn lời Thủ tướng.
Trước đó, ngày 3/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/QĐ-TTg về khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân, trong đó khung giá tăng so với trước đây.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng/KWh và tối đa tăng 538 đồng/KWh, tương đương tỉ lệ tăng lần lượt là 13,7% và 28,2%.
Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới không đồng nghĩa với việc tăng giá bán điện ngay lập tức mà từ khung này, Bộ Công Thương sẽ quyết định mức giá bán lẻ cụ thể như mức tháng 3/2019. Sau khi có giá mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tính toán, công bố các bậc giá cụ thể cho từng đối tượng.
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân vẫn ở mức 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ 3/2019 đến nay.
Nguyên nhân yêu cầu tăng giá điện được EVN cho biết là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới, chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN, mặc cho những nỗ lực tiết giảm chi phí của Tập đoàn. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì EVN lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng.