|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia: Việc tăng giá điện cần đảm bảo không giật cục, tránh gây cú sốc chi phí đầu vào của doanh nghiệp

07:29 | 13/02/2023
Chia sẻ
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc điều chỉnh giá điện của cơ quan chức năng phải đảm bảo không giựt cục, không gây cú sốc cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, giá cả hàng hóa và đời sống, xã hội.

Tăng khung, giá điện dự báo sẽ điều chỉnh tăng 
Từ ngày 3/2/2023, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là trên 1.800 đồng/kWh và tối đa là gần 2.500 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). So với khung giá cũ, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, tương đương tăng 13,7% và khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh, tương đương tăng 28,2%.   

Đánh giá về sự điều chỉnh này, chia sẻ với người viết, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, cho biết tăng khung chưa phải là tăng giá điện nhưng nó là cơ sở cho quyết định giá bán lẻ điện bình quân trong thời gian tới. Và nếu có tăng, giá điện sẽ không được thấp hơn hoặc cao hơn trong khung giá vừa ban hành. 

"Mức tăng khung mới đến 28%, tương đối cao so với giá đang hiện hành, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đây là điều đáng lo ngại vì nó sẽ tác động đến lạm phát và các chỉ số hàng hóa", ông Thịnh cho hay. 

Khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.      

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và nằm trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. 

(Số liệu: Bộ Công Thương, EVN. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Nhìn lại lịch sử điều chỉnh, giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh trong 10 năm qua (giai đoạn 2009 - 2019). Gần nhất, vào năm 2019, giá điện đã tăng từ 1.720 đồng/kWh lên 1864 đồng/kWh và giữ nguyên đến nay. 

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, từ tháng 3/2019 đến nay giá điện được Chính phủ giữ ổn định nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, có nhiều mặt hàng biến động giá cả rất lớn.

Đơn cử trong năm 2022, giá xăng dầu tăng 62%. Giá than thế giới cũng đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và tăng gấp khoảng 2,6 lần so với năm 2021. Theo đó, chi phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện đã tăng theo giá thế giới, làm cho chi phí phát điện tăng theo, từ đó khiến ngành điện gặp nhiều khó khăn. Do đó, sau 4 năm giữ ổn định, thời điểm hiện nay, việc tăng giá điện là vấn đề rất quan trọng.  

"Việc điều chỉnh giá điện của cơ quan chức năng phải đảm bảo không giựt cục, không gây cú sốc cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, giá cả hàng hóa và đời sống, xã hội. Tăng thì chắc chắn sẽ tăng nhưng tăng như thế nào là hợp lý thì cần tính toán", chuyên gia Thịnh nhấn mạnh.

Điều này cũng được PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận khi cho rằng chi phí nhiên liệu đầu vào tăng, các chi phí quản lý, sản xuất… tăng trong khi giá bán điện cố định thì ngành điện bị thua lỗ là đương nhiên. Và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn nếu không có sự điều chỉnh kịp thời. 

"Tuy vậy, việc tăng giá điện cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dù tăng 1% cũng tác động đến sản xuất, tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế ở cả gián tiếp và trực tiếp. Do đó, quyết định tăng giá điện cần phải được cơ quan chức năng tính toán, kiểm tra dựa chi phí sản xuất của ngành điện và khung giá vừa được Chính phủ ban hành", ông Long cho hay.

Chọn thời điểm nào để tăng giá điện?

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất tăng từ tháng 11,12/2022 nhưng thời điểm đó doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm cuối năm và nhu cầu chi tiêu của người dân cũng lên cao vào thời gian Tết dương lịch, Tết nguyên đán. Do đó, nếu tăng vào tháng 11, 12 sẽ gây khó khăn đối với doanh nghiệp và đời sống người dân.

"Tháng 5, tháng 6 tiêu dùng điện thường tăng vọt do bước vào giai đoạn nắng nóng, cao điểm tiêu dùng điện, nên tăng thời gian đó cũng không ổn vì sẽ tạo cú sốc về giá, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát. Theo quan điểm của tôi, nên tăng vào tháng 3,4 là phù hợp", ông Thinh chia sẻ.

Trong khi đó, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng giá điện đã có cơ sở để điều chỉnh tăng trong thời gian tới, do đó, cần khẩn trương, điều chỉnh càng sớm càng tốt để EVN thoát cảnh thua lỗ.

Tương tự, theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nếu thực hiện ngay và thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Giá là bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành điện thì mức điều chỉnh giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành.

"Ở mức điều chỉnh này, có thể sẽ có những tác động khá mạnh đến lạm phát. Do đó, để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể tính tới chia lộ trình điều chỉnh ra làm hai đợt và mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng từ 7-8%.

Sau đó cần tính toán và chúng ta theo dõi, nếu những tháng cuối năm thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát trong tầm đề ra, có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt hai", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam kiến nghị.  

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.