|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ tướng: 'Giá điện nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp không chịu được'

20:37 | 03/02/2023
Chia sẻ
Thủ tướng yêu cầu ngành công thương cần hài hoà lợi ích, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, giá điện phải phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân, không thể giống những nước phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được.

Thủ tướng yêu cầu ngành công thương cần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Nhắc lại bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn cả về tổng cung và tổng cầu. Sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI,... Thủ tướng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành công thương.

Trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch, gồm: Quy hoạch Điện lực quốc gia; Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia; Quy hoạch Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

"Chính phủ rất trăn trở việc này. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch Điện VIII. Ở điểm này chúng ta bình tĩnh, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chú trọng phát triển công nghiệp nền tảng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với các chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu… nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo. Bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện và xăng dầu. Tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trong mọi điều kiện phải bảo đảm cung cấp điện an toàn cho sản xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh tới 5 vấn đề của ngành điện, gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Trong đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Cùng với đó, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu (sản xuất trong nước và nhập khẩu), bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành điện, dầu khí, than,… Phát huy kinh nghiệm xử lý hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc kéo dài đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 và đã đưa các dự án này vào vận hành, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu xử lý các vướng mắc đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2….

Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/2. (Ảnh: VGP).

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

Tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Thứ tư, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.

Thứ năm, tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ....

Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy, bảo đảm nguồn cung. Tạo thuận lợi hóa thương mại, phối hợp với các bộ, ngành giảm chi phí dịch vụ logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại.

Thứ sáu, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Rà soát các quy định pháp luật của ngành; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ bảy, có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển; tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, hạ tầng năng lượng, thương mại điện tử.

Hạ An