|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất mua điện gió, điện mặt trời giá 6,2 cent/kWh, bằng 90% giá điện nhập khẩu

11:00 | 21/03/2023
Chia sẻ
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T đề xuất phương án giá huy động tạm tính đối với điện mặt trời, điện gió có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent/kWh), tức khoảng 6,2 cent/kWh.

Phát biểu tại buổi trao đổi với chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra chiều 20/2, đại diện một số chủ đầu tư đề xuất có phương án giá tạm tính trong thời gian chờ giá mới.

Nhà đầu tư kiến nghị giá tạm tính bằng 90% giá nhập khẩu

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T đề xuất phương án giá huy động tạm tính trong thời gian này có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent một kWh), tức khoảng 6,2 cent, tương đương gần 1.500 đồng một kWh (với tỷ giá 23.750 đồng một USD).

Mức giá này thấp hơn giá trần của các dự án điện mặt trời nổi, điện gió đất liền theo khung giá của Bộ Công Thương (1.508 - 1.587 đồng một kWh).

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T. (Ảnh: VGP).

Theo bà Bình, các nhà đầu tư đã phải chờ hơn hai năm để có cơ chế, nhưng khung giá đưa ra quá thấp, khiến họ lo ngại dự án sẽ thua lỗ. Bà đề nghị trong thời gian chờ đàm phán giá mới, Bộ Công Thương cho phép EVN huy động ngay sản lượng với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, để tránh lãng phí.

"Đây là mức giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T đề xuất.

Bà Bình cũng cho biết, kiến nghị này cũng là mong muốn chung của 36 chủ đầu tư dự án chuyển tiếp cùng ký tên trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trong ngày 10/3 và căn cứ theo quy định trong Thông tư 15 của Bộ Công thương.

Cũng tại hội nghị này, EVN cho biết sẽ đề xuất với Bộ Công Thương phương pháp xác định giá điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, giá điện của các dự án chuyển tiếp này sẽ bao gồm hai thành phần: Giá cố định và giá vận hành, bảo dưỡng (tương tự như các nhà máy thủy điện). Giá cố định xác định theo phương pháp dòng tiền với các thông số đầu vào.

Các thông số này bao gồm: Tổng mức đầu tư là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với thiết kế cơ sở; các thông số tài chính xác định theo thực tế vay, đã giải ngân tại thời điểm hiện tại và có so sánh với cơ cấu vốn vay trong thiết kế cơ sở. Các thông số kỹ thuật áp dụng theo thiết kế kỹ thuật gần nhất của dự án.

Ngoài ra, sản lượng tính toán là sản lượng lớn nhất trong hồ sơ thiết kế cơ sở và hồ sơ thiết kế kỹ thuật (nếu có)...

Đối với các nhà máy điện đã vận hành thương mại một phần, kiến nghị đàm phán và tính toán giá điện với các thông số đầu vào tính toán của cả nhà máy điện để áp dụng giá điện đối với phần nhà máy điện chưa có giá điện.

Giá điện mặt trời, điện gió "nóng" tại Diễn đàn VBF 2023

Vấn đề giá điện mặt trời, điện gió cũng được các nhà đầu tư nước ngoài nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2023 vừa diễn ra ngày 19/3.

Ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF cho biết, "hàng nghìn MW công suất của những dự án này đang phải chờ xác định giá bán điện mới do dự án không đáp ứng được điều kiện về thời hạn vận hành", ông John cho biết. 

Nhóm Công tác Điện và Năng lượng cũng lo ngại, EVN không thể tiếp tục trợ giá và chịu lỗ khi bán điện. “Năng lực tài chính mạnh của EVN là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc phát triển ngành điện bền vững, vì đó là cơ sở cho một hợp đồng mua bán điện khả thi về mặt tài chính (PPA)”, ông John Rockhold nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn VBF 2023. (Ảnh: Hạ An).

Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  cho biết, vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.

Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. 

Theo Thủ tướng, nếu giá điện đắt quá so với khu vực thì rõ ràng người dân không thể chịu được, và cũng không thể cắt giá thuỷ điện chỉ có 4-5 cent/KW mà mua điện mặt trời, điện gió hơn 8 cent/KW.

Thủ tướng cho rằng, vấn đề về cung cầu phải tìm điểm hài hoà với vấn đề cải cách.

"Chúng tôi sẵn sàng đàm phán và Bộ Công thương cũng luôn luôn cầu thị, lắng nghe sự khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Quan trọng là sự chân thành, tin cậy, hiệu quả", Thủ tướng nói.

Hạ An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.