Vấn nạn khinh khí cầu tại Mỹ: Từng được dùng để ném bom dân thường, nay tiềm ẩn năng lực gián điệp
Nhiều tuần nay, nước Mỹ đã sửng sốt trước sự xuất hiện của khinh khí cầu từ Trung Quốc và các UFO (vật thể bay không xác định) trên bầu trời. Hiện nay, vẫn chưa rõ nguồn gốc và mục đích của các UFO này.
Tiến sỹ Scott M. Moore, giảng viên môn khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania, cho rằng vụ việc trên đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, Ngoại trưởng Antony Blinken vào phút chót đã quyết định hoãn chuyến thăm Trung Quốc và Hạ viện nhất trí thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu do thám lãnh thổ Mỹ.
Hoạt động phòng không đặc biệt của Mỹ
Ngày 12/2, một máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn hạ một UFO trên Hồ Huron theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Đây là vụ bắn rơi vật thể lạ thứ 4 trong 8 ngày và là động thái quân sự mới nhất trong một chuỗi sự kiện bất thường trên không phận Mỹ mà các quan chức Lầu Năm Góc đánh giá là chưa có tiền lệ trong thời bình.
Đại tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ, cho biết một phần lý do khiến các vụ bắn hạ lặp đi lặp lại là do “cảnh báo cao độ” sau khi khinh khí cầu do thám từ Trung Quốc xuất hiện trên không phận Mỹ vào cuối tháng 1.
Sau đó, các máy bay chiến đấu cũng đã bắn hạ các vật thể lạ ở Canada và Alaska. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết các UFO không gây ra mối đe dọa an ninh nào và việc bắn rơi chỉ là để thận trọng.
Các hoạt động phòng không đặc biệt của Mỹ bắt đầu vào cuối tháng 1, khi một khinh khí cầu màu trắng được cho là từ Trung Quốc xuất hiện và bay lơ lửng trên bầu trời Mỹ trong nhiều ngày trước khi bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển bang South Carolina.
Các quan chức Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc, với cáo buộc khinh khí cầu được trang bị để phát hiện và thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định đó là khí cầu thời tiết dân sự đã bay chệch hướng. Bắc Kinh cho biết Mỹ đã "phản ứng thái quá" với việc bắn hạ nó.
Các vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc và khiến các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích nhiều ngày về phản ứng của chính quyền.
Hầu hết sự chú ý và lo ngại đều tập trung vào khả năng khinh khí cầu Trung Quốc có thể giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm. Nhưng có một lý do sâu xa hơn khiến người Mỹ lo sợ khinh khí cầu.
Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã từng sử dụng khí cầu để tấn công nước Mỹ và hiện nay tình huống tương tự có thể xảy ra một lần nữa.
Tiến sỹ Scott M. Moore nhấn mạnh lịch sử đen tối càng củng cố lập trường Mỹ và Trung Quốc đều phải hành động nhanh chóng để giảm căng thẳng.
Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã thả khoảng 9.000 quả khinh khí cầu Fu-Go tầm cao. Các khí cầu này được gió thổi sang Mỹ tương tự như khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ mới đây.
Fu-Go là cuộc tấn công quy mô lớn, thành công duy nhất được tiến hành trên đất liên của Mỹ (không kể vụ tập kích Trân Châu Cảng ở quần đảo Hawaii vào tháng 12/1941). Loại khí cầu này mang theo một khối lượng thuốc nổ nhỏ vào sâu trong lòng nước Mỹ và gây thương vong cho dân thường.
Chính phủ Mỹ khi đó lo sợ vụ tấn công bằng khinh khí cầu của Nhật Bản có thể gây hoảng loạn trên diện rộng nên đã kiểm duyệt thông tin gắt gao, khiến cho vụ việc này ít được biết đến.
Bài học về khinh khí cầu Fu-Go
Lịch sử về vụ tấn công của khí cầu Fu-Go chứa đựng ba bài học quan trọng cho các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thứ nhất, giống như khí cầu Fu-Go, những tín hiệu ban đầu cho thấy giá trị quân sự của khí cầu do thám từ Trung Quốc là rất nhỏ, song tác động đối với nhận thức của công chúng lại khá lớn.
Ông Jon Tester, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Montana, nơi khinh khí cầu đầu tiên được phát hiện, cho biết vụ việc đã khiến ông “sợ chết khiếp.” Trong khi đó, bà Lisa Murkowski, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Alaska đã “gào lên” với các quan chức Bộ Quốc phòng tại một phiên điều trần vì đã không hành động khi khinh khí cầu xuất hiện tại Alaska. Bà nói: “Dường như chính phủ không nghĩ rằng Alaska là một phần lãnh thổ của nước Mỹ”.
Trước những phản ứng gay gắt trên, Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác muốn thả các vật thể tầm cao vào không phận Mỹ phải hiểu được sự nhạy cảm đặc biệt này và thực hiện biện pháp cần thiết để tránh lặp lại các vụ xâm nhập bằng khinh khí cầu do thám.
Thứ hai, khinh khí cầu có thể là vũ khí tàng hình gây bất ngờ. Các quan chức Mỹ từng mất vài tháng để phát hiện âm mưu đánh bom bằng khinh khí cầu của Nhật Bản.
Trong khi đó, theo một sĩ quan Không quân cấp cao của Mỹ, khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc dường như đã khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng không hiện có của Mỹ. Những lỗ hổng như vậy đặc biệt đáng lo ngại. Trong những năm 1940, những lỗ hổng tạo ra những con đường mới cho kẻ thù tấn công lãnh thổ Mỹ.
Trung Quốc, quốc gia sở hữu những vũ khí tinh vi hơn nhiều so với khinh khí cầu như tên lửa siêu thanh, có rất ít lý do để khai thác những lỗ hổng trên để tiến hành một cuộc tấn công thực sự. Tuy nhiên, những kẻ khủng bố hoặc các quốc gia thù địch vẫn có thể lợi dụng điều này. Đây là mối lo ngại lớn của các chuyên gia an ninh quốc gia.
Ở mức tối thiểu, triển vọng vũ khí hóa sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu, dù là giữa Mỹ và Trung Quốc hay với nước khác trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc xâm nhập đường không nào trong tương lai. Nhà lãnh đạo các bên phải nỗ lực gấp đôi để củng cố các kênh liên lạc trong khủng hoảng nhằm giải quyết mọi sự cố trong tương lai càng nhanh càng tốt.
Thứ ba, câu chuyện về những những khí cầu Fu-Go mang bom đã có một kết thúc có hậu bất ngờ, nhờ hành động của các cá nhân người Mỹ và Nhật Bản, những người đã nỗ lực biến bi kịch thời chiến thành quan hệ đối tác thời hậu chiến.
Vào những năm 1980, cư dân của thị trấn Bly, bang Oregon, nơi duy nhất chịu thương vong do bom khinh khí cầu gây ra, bắt đầu trao đổi thư từ với các công dân Nhật Bản tham gia sản xuất bom. Những kẻ thù cũ thậm chí còn tổ chức một cuộc gặp trực tiếp tại Bly sau chiến tranh.
Theo ông Moore, cần hy vọng rằng một kết thúc có hậu tương tự sẽ xuất hiện trong cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ-Trung Quốc và cả hai bên đều có cơ hội để đảm bảo rằng điều đó xảy ra. Trung Quốc gần đây đã mở cửa trở lại với người nước ngoài mà không yêu cầu cách ly và xét nghiệm COVID-19 lần đầu tiên sau gần ba năm.
Việc mở cửa sẽ giúp nối lại các mối quan hệ. Trong những tháng tới, một số lượng lớn doanh nhân, nhà nghiên cứu, sinh viên, nhà báo và những đối tượng khác từ Mỹ sẽ đến thăm Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo ở cả Washington và Bắc Kinh cần tạo ra không gian cho sự trao đổi mạnh mẽ giữa người với người, bất kể những khác biệt giữa hai chính phủ.
Lịch sử từ khinh khí cầu Fu-Go cho thấy rằng khi quan hệ căng thẳng leo thang giống như hiện nay, các quốc gia phải sử dụng mối quan hệ giữa người với người để củng cố quan hệ giữa hai nước. Nếu không, cả thế giới có nguy cơ rơi vào hỗn loạn hơn.