|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vài bí mật đáng sợ trong mô hình kinh doanh khách sạn của 'báu vật' OYO

17:06 | 17/02/2020
Chia sẻ
Tỉ phú Masayoshi Son từng ví chuỗi khách sạn giá rẻ OYO là báu vật của ông, song mô hình kinh doanh của OYO đang bộc lộ những bí mật nguy hiểm có thể khiến chuỗi sụp đổ.

Với dịch vụ cung cấp phòng khách sạn giá rẻ, OYO đã phát triển thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Mục tiêu của họ là trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới vào năm 2023.

Song một trong những lí do khiến OYO trỗi dậy siêu tốc là cách kinh doanh gây tranh cãi. Hàng loạt hồ sơ tài chính, tài liệu của tòa án và các cuộc phỏng vấn với 20 nhân viên (đã thôi việc và đang làm việc cho OYO) đã hé lộ khoảng tối trong đế chế kinh doanh này.

Đăng thông tin những phòng khách sạn 'chui'

Bằng ứng dụng riêng, OYO cung cấp phòng giá rẻ từ những khách sạn liên kết với công ty. Tuy nhiên, các nhà điều hành công ty thừa nhận hàng nghìn phòng trên app thuộc về những khách sạn, nhà trọ chưa đăng kí kinh doanh.

Vài bí mật đáng sợ trong mô hình kinh doanh khách sạn của 'báu vật' OYO - Ảnh 1.

Một khách sạn liên kết với OYO ở Ấn Độ. Ảnh: The New York Times

Để phòng ngừa những rắc rối từ chính quyền đối với những phòng bất hợp pháp, đôi khi OYO miễn phí cho cảnh sát và các quan chức, theo lời kể của 9 nhân viên đang và từng làm việc cho công ty mà The New York Times trích dẫn.

Nội dung nhiều cuộc phỏng vấn với chủ khách sạn, nhân viên OYO, thư điện tử và đơn kiện cho thấy OYO áp mức phí bổ sung đối với các khách sạn và chỉ thanh toán một phần số tiền mà lẽ ra họ phải trả cho khách sạn.

Một số chủ khách sạn còn nộp đơn kiện hình sự đối với OYO với cáo buộc công ty viện cớ khách trọ phàn nàn về dịch vụ để giữ lại các khoản mà lẽ ra họ phải thanh toán.

"Đó là một bong bóng sắp nổ tung", Saurabh Mukhopadhyay, người từng giữ vị trí quản lí hoạt động của OYO ở miền bắc Ấn Độ và đã rời công ty hồi tháng 9, dự báo.

Báu vật của tỉ phú Masayoshi Son

Nhờ tiền của nhiều nhà đầu tư tầm cỡ thế giới như tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản), OYO lọt vào nhóm những startup đang phát triển thần tốc nhất hành tinh.

Giờ đây, một số kì lân trong nhóm - như công ty thuê văn phòng chia sẻ WeWork và công ty giao hàng Instacart - đã bắt đầu bộc lộ những tử huyệt trong mô hình kinh doanh của họ.

Sự gục ngã của OYO sẽ tác động xấu tới phong trào khởi nghiệp ở Ấn Độ trong bối cảnh giới startup ở đây đã nhận hàng chục tỉ USD từ các nhà đầu tư ngoại trong vài năm qua.

Vài bí mật đáng sợ trong mô hình kinh doanh khách sạn của 'báu vật' OYO - Ảnh 2.

Ông Masayoshi Son, chủ tịch kiêm CEO của SoftBank, coi OYO là báu vật của ông. Ảnh: Nikkei

Vốn đầu tư ngoại đã giúp hàng loạt startup ở Ấn Độ - như hãng gọi xe Ola và công ty cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến Paytm - thăng hoa.

Đó cũng là đòn chí mạng đối với SoftBank, nhà đầu tư lớn nhất của OYO và sở hữu một nửa cổ phần của công ty.

Masayoshi Son, chủ tịch kiêm CEO của SoftBank, từng ví OYO như viên ngọc quí trong quĩ đầu tư tri giá 100 tỉ USD mang tên Vision Fund của ông, ngay cả khi ông mất vài tỉ USD trong những khoản đầu tư vào WeWork và một số startup khác.

"OYO là công ty duy nhất vươn ra toàn cầu với qui mô lớn như thế ở Ấn Độ. Nhưng tới thời điểm hiện tại, mô hình kinh doanh của họ đối mặt với sự hoài nghi lớn", Satish Meena, một nhà phân tích cấp cao của hãng nghiên cứu thị trường Forrester tại New Delhi, nói về OYO.

Nhạc Phong

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.