Lợi nhuận SoftBank giảm tới 99% vì khoản lỗ của Uber, WeWork và Oyo
Quĩ Vision Fund vừa công bố khoản lỗ vận hành 225 tỉ yen (2,05 tỉ USD) trong quí 3, so với khoản lãi 176 tỉ yen cùng kì năm ngoái, theo Reuters.
Báo cáo tài chính của SoftBank cho thấy lợi nhuận của cả tập đoàn đạt 2,6 tỉ yen trong giai đoạn từ tháng 10 tới tháng 12, giảm hơn 99% so với cùng kì năm ngoái.
Vision Fund thông báo họ đã đầu tư 74,6 tỉ USD vào 88 công ty tính tới cuối tháng 12 năm ngoái, và những khoản đầu tư ấy có trị giá 79,8 tỉ USD vào cuối năm 2019.
Trong lúc đó, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Masayoshi Son của tập đoàn SoftBank đang nỗ lực thu hút vốn từ bên ngoài để tạo thêm một quĩ thay thế Vision Fund.
Uy tín về khả năng đầu tư của Son giảm mạnh trong quí 3 năm ngoái khi một số công ty mà ông rót vốn lỗ nặng. WeWork, công ty cung cấp văn phòng chia sẻ, lỗ nặng nhất với khoản tổn thất kỉ lục 8,9 tỉ USD.
Vài công ty khác từng nhận vốn của Vision Fund - như nền tảng đặt phòng khách sạn Oyo, nhà sản xuất thiết bị tự động CloudMinds - cũng phải sa thải bớt nhân công và chịu áp lực chứng tỏ khả năng tạo lợi nhuận với mô hình kinh doanh của họ.
Chính Vision Fund cũng mất nhiều nhân sự chủ chốt.
Chuyên gia Stoller - tác giả cuốn Goliath: The Hundred-Year War Between Monopoly Power and Democracy - gọi xu hướng các quỹ đầu tư đổ hàng chục tỷ USD vào nhiều startup kinh doanh lỗ là “chủ nghĩa tư bản hàng giả”.
Và ví dụ hài hước nhất, mới nhất chính là WeWork, startup chia sẻ văn phòng đình đám, từng được định giá tới 47 tỷ USD.
Theo ông Stoller, WeWork không hẳn là một mớ rác rưởi vô dụng. Các văn phòng của WeWork được đánh giá là thiết kế đẹp, bài trí tốt. Dịch vụ này hoàn toàn có thể ăn nên làm ra ở quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu các công ty vừa và nhỏ.
Vấn đề là quy mô của WeWork được đẩy lên quá tầm trong khi giá trị vốn hóa cũng được thổi phồng tới mức vô lý: 47 tỷ USD. Cáo bạch IPO của WeWork và các điều tra sau đó cho thấy CEO WeWork Adam Neumann quản lý tệ hại và quá tham lam. Tuy nhiên, Neumann lại được tiếp cận nguồn vốn khổng lồ.
Chiến lược của tỷ phú Son - cũng giống như nhiều nhà đầu tư mạo hiểm khác - là tìm một thị trường lớn, đổ tiền tỷ vào một công ty để nó có đủ nguồn lực đánh bật mọi đối thủ cho đến khi đạt vị thế độc quyền, rồi tận dụng sự độc quyền đó để kiếm lời.
Giới chuyên môn gọi chiến lược ấy là “định giá ăn cướp”. Trong những năm qua, mô hình này trở nên rất phổ biến.
Startup xe trượt Bird (California, Mỹ) lỗ 100 triệu USD trong quý I, doanh thu chỉ đạt vỏn vẹn 15 triệu USD. Trước đó, Bird huy động được tới 718 triệu USD tiền đầu tư.
Tương tự, Uber và Lyft đốt tiền chóng mặt. Theo Business Insider, trong quý II Uber lỗ tới 5,2 tỷ USD. Cùng quãng thời gian đó, Lyft cũng lỗ 644 triệu USD.