|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đồng ý giao dự án nhà ga T3 cho ACV

11:57 | 08/04/2019
Chia sẻ
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn 100.000m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650m2, tổng mức đầu tư khoảng 11.430 tỉ đồng.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đồng ý giao dự án nhà ga T3 cho ACV - Ảnh 1.

Ga hàng hóa Tân Sơn Nhất

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn) đã đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trước thời điểm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn, dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn thiết kế đã được Bộ có ý kiến thống nhất đưa vào danh mục dự án nhóm A, B trong kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018 của ACV tại Công văn số 2789/BGTVT-QLDN ngày 20/3/2018.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nêu rõ: “Đối với các kế hoạch, chương trình, dự án, các hoạt động của doanh nghiệp và các nội dung khác thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được các cơ quan chuyển giao quyết định trước ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện theo các quyết định đã được cơ quan chuyển giao phê duyệt.”

Trên cơ sở nghiên cứu báo cáo số 73/BC-NĐDV-HĐQT của Người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV và văn bản số 2595/BGTVT-KHĐT kèm theo Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải về việc xin chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng ý phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải giao cho ACV-Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Lý giải điều này, theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 21 cảng hàng không đang được giao cho ACV quản lý, khai thác, cung cấp chuỗi dịch vụ hàng không liên tục từ khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách.

Vì vậy, phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc để ACV đầu tư và khai thác thêm một nhà ga tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga hiện có (T1, T2), tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho ACV xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Nhà ga T3. Trong khi đó, ACV là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối gần như tuyệt đối (95,4%); có năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay; có nguồn lực tài chính bảo đảm nhu cầu vốn của dự án.

Mặt khác, dự án có tính chất cấp bách, cần triển khai khẩn trương để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, đặc biệt là trong việc thu hút và phục vụ khách quốc tế.

Trong trường hợp ACV được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư thực hiện dự án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị ACV thực hiện trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan./.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn 100.000m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650m2. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 11.430 tỷ đồng, thời gian xây dựng 43 tháng.

Năm 2018, sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt hơn 38,3 triệu hành khách. Nhà ga quốc nội đã khai thác 23,4 triệu hành khách (vượt 1,56 lần công suất thiết kế), nhà ga quốc tế đã khai thác 14,8 triệu hành khách (vượt 1,14 lần công suất thiết kế), chất lượng dịch vụ còn hạn chế.

Trong các năm tới nhu cầu tăng trưởng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo vẫn đạt trung bình từ 10-15%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 6-10% giai đoạn đến năm 2025.

Việt Hùng