|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC chính thức đề nghị đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, cam kết hoàn thành sau 1 năm

12:02 | 22/02/2019
Chia sẻ
Hôm qua 21/2, Tập đoàn FLC đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và
Văn phòng Chính phủ đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại
Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong công văn của mình, CTCP Tập đoàn FLC cho biết hãng hàng không Bamboo Airways (do FLC sở hữu 100%) cất cánh bay thương mại từ ngày 16/1/2019 đến nay đã thực hiện 14 tuyến bay với gần 40 chuyến/ngày. Đội tàu bay của hãng từ 10 chiếc ở thời điểm hiện tại dự kiến sẽ tăng lên 40 chiếc trong năm 2019, nhằm đáp ứng mục tiêu khai thác từ 37-40 đường bay trong nước và quốc tế ngay trong năm nay.

Với đội tàu bay phát triển nhanh, Bamboo Airways đang có nhu cầu xây dựng một hãng hàng không tự chủ về nhà ga hành khách để quản lý, sử dụng và phục vụ hành khách một cách tốt nhất.

flc chinh thuc de nghi dau tu nha ga t3 tan son nhat cam ket hoan thanh sau 1 nam
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Do đó, “Tập đoàn FLC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất”, công văn nêu rõ.

Cũng theo công văn này, nếu được chấp thuận chủ trương, Tập đoàn FLC sẽ tập trung toàn lực để thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, sớm đưa công trình vào khai thác sau 1 năm thi công.

Giải thích về tốc độ hoàn thành nhanh gần gấp đôi so với thời gian dự kiến xây dựng nhà ga T3, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nhấn mạnh: Tập đoàn đã có nhiều kinh nghiệm thi công và hoàn thành các quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha trong thời gian ngắn với chất lượng tốt.

Ông Quyết cho rằng với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhà thầu, đối tác trong nước và quốc tế mà FLC đang sở hữu thông qua Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, "việc xây dựng nhà ga T3 với tiến độ như cam kết là hoàn toàn khả thi”.

Trước đó, Tập đoàn FLC đã cho thấy ý định đầu tư hai khu hạ tầng về dịch vụ hàng không, trong đó, một khu đặt tại sân bay Thọ Xuân, cung cấp một hợp phần quan trọng là khu dịch vụ cảng hàng không bao gồm nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; học viện đào tạo kỹ thuật, tiếp viên. Một khu khác là trung tâm bảo hành - bảo dưỡng quy mô lớn dự kiến đặt tại Vân Đồn, Quảng Ninh.

Hiện nay chủ đầu tư dự án nhà ga T3 vẫn chưa được Chính phủ quyết định. Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa muốn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành vừa muốn làm chủ đầu tư nhà ga T3 và khẳng định vẫn có đủ năng lực tài chính lẫn lợi thế kinh nghiệm.

Bộ GTVT đang kiến nghị với Chính phủ giao ACV đầu tư nhà ga T3, và nếu không là nhà đầu tư duy nhất, ACV có thể góp vốn ở mức 61%, hoặc 51% hay 36%.

Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất tại TP HCM dự kiến có công suất 20 triệu lượt khách/năm, diện tích khoảng 100.000 m2, xây trên khu đất 16,37 ha đã được Bộ Quốc phòng bàn giao, cùng với một số công trình phụ trợ khác, có tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.

Nếu việc đầu tư được triển khai thực hiện thì sau khi mở rộng nhà ga T3, công suất cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ lên đến 45-50 triệu lượt khách/năm so với công suất 36 triệu lượt khách/năm vào cuối năm 2017.

Xem thêm

Y Vân