|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC đang mơ những gì?

15:01 | 18/02/2019
Chia sẻ
Năm 2019 mới bắt đầu được chưa đầy hai tháng nhưng những thông tin về hoạt động của Tập đoàn FLC đã xuất hiện khá dồn dập, từ mục tiêu doanh thu khủng đến những đề xuất táo bạo trong các lĩnh vực mới.
flc dang mo nhung gi

Chiều 30 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (tức ngày 5/2/2019), Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết gửi Thư Chúc tết tới cán bộ nhân viên Tập đoàn, trong đó ông Quyết điểm lại những thành tựu mà FLC đã đạt được trong năm Mậu Tuất như: cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm bất động sản, xây dựng và vận hành những quần thể nghỉ dưỡng – sân golf có quy mô lớn tại Việt Nam, sở hữu gần 230 dự án đang triển khai, nghiên cứu đầu tư trên 56 tỉnh thành cả nước và đưa Bamboo Airways cất cánh.

Ông Quyết đặt ra mục tiêu doanh thu năm 2019 là 30.000 tỉ đồng, cao gấp hơn 2,5 lần số thực hiện năm 2018, đồng thời cao hơn doanh thu của cả ba năm 2016-2017-2018 cộng lại.

Thực tế năm 2018, FLC đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỉ đồng nhưng chỉ thực hiện được 11.764 tỉ đồng.

Năm 2017, FLC đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỉ đồng, cao gấp hơn hai lần thực hiện năm 2016, nhưng thực tế chỉ hoàn thành hơn 86%.

flc dang mo nhung gi
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất.

Ông Quyết gọi mục tiêu doanh thu 2019 là “thách thức lớn mà FLC phải đối mặt". Đồng thời ông yêu cầu “Tất cả các lĩnh vực đều phải có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó, riêng hàng không sẽ đóng góp đến 1/3 trong bảng tổng doanh thu này”.

Hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways do FLC sở hữu 100% cất cánh chuyến bay đầu tiên ngày 16/1 vừa qua trên chặng TP HCM – Hà Nội.

Đến nay, Bamboo Airways đã có 10 đường bay nội địa, và sắp tới đây hãng dự định mở thêm 4 đường bay nữa đến Vinh (Nghệ An).

Ngoài doanh thu trực tiếp đến từ vận tải hàng không, Bamboo Airways có thể đóng góp cho FLC thông qua việc đưa khách lưu trú và chơi golf đến các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn, tiêu thụ các sản phẩm của các công ty thành viên, ví dụ như nước khoáng Natuza của Công ty TNHH Nước Giải khát FLC, ...

flc dang mo nhung gi
Đồ họa: Alex.
flc dang mo nhung gi

Đầu tháng 1/2019, Tập đoàn FLC đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư một khu phức hợp thể thao nằm tại một khu vực thuộc huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn.

Theo FLC, sân vận động dự kiến có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, mục tiêu trở thành sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới.

Tuy nhiên đề án còn bao gồm các hạng mục cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1; cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế; khu dịch vụ vui chơi giải trí; khu trung tâm thương mại - tài chính; ...

Tổng diện tích dự án khoảng từ 1.000 đến 2.000 ha. Tổng mức đầu tư của riêng giai đoạn 1 dự kiến đã là trên 25.000 tỉ đồng - xấp xỉ tổng tài sản của FLC cuối năm 2018.

flc dang mo nhung gi

Ngày 19/1 năm nay, Tập đoàn FLC và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Dự kiến hai bên sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác thông qua việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau.

Cụ thể, OCB sẽ cung cấp các giải pháp tài chính về dịch vụ tín dụng trung dài hạn, cấp vốn lưu động và tài trợ vốn để hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển dự án của Tập đoàn FLC cũng như các đơn vị thành viên.

Đồng thời, OCB cũng cung cấp các gói dịch vụ tín dụng cho khách hàng mua bất động sản tại các dự án do FLC làm chủ đầu tư, trong đó có sản phẩm cho vay dành riêng cho cư dân của FLC, hỗ trợ cư dân trong việc tự động hóa thanh toán các phí tiện ích hàng tháng.

Một điểm trùng hợp giữa FLC và OCB là chủ tịch HĐQT của cả hai doanh nghiệp này đều mang họ Trịnh, về phía FLC là Trịnh Văn Quyết, về phía OCB là Trịnh Văn Tuấn.

flc dang mo nhung gi
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết (trái) và Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn (phải). Ảnh: FLC

Ông Trịnh Quyết là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn FLC với tỉ lệ sở hữu 21,19%. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất của CTCP Xây dựng FLC Faros với tỉ lệ sở hữu 67,34%. Tổng tài sản cổ phiếu của ông Quyết hiện ước tính khoảng trên 13.600 tỉ đồng.

Ông Trịnh Văn Tuấn trong giai đoạn 2003-5/2008 từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Từ tháng 8/2010 đến tháng 5/2011 ông là Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông và từ tháng 5/2012 đến nay, ông là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

Tính đến ngày 29/6/2018, ông Tuấn đang sở hữu gần 15,95 triệu cổ phần Ngân hàng OCB, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 3,19% vốn điều lệ.

Tính cả sở hữu của vợ, con và một công ty liên quan, nhóm cổ đông ông Trịnh Văn Tuấn nắm giữ hơn 89,17 triệu cổ phần OCB, tương ứng tỉ lệ sở hữu 18%. Tính theo giá cổ phần OCB trên thị trường OTC khoảng 15.000 đồng/cp, sở hữu của nhóm ông Trịnh Văn Tuấn có giá trị khoảng 1.338 tỉ đồng.

flc dang mo nhung gi

Nhà ga T3Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu lượt khách/năm, diện tích khoảng 100.000m2, xây trên khu đất 16,37ha. Tổng mức đầu tư khoảng 11.659 tỉ đồng. Dự án dự kiến khởi công vào quý III/2020, có thể bắt đầu khai thác từ quý II/2022 nếu bảo đảm tiến độ, tức là mất gần 2 năm.

Tuy nhiên mới đây, ông Trịnh Văn Quyết tuyên bố Tập đoàn FLC sẵn sàng tham gia đầu tư phát triển hạ tầng hàng không nói chung và nhà ga T3 nói riêng; đồng thời ông cam kết nếu được chấp thuận đầu tư, FLC có thể hoàn thành nhà ga T3 trong thời gian 9 tháng.

Hiện nay chủ đầu tư dự án nhà ga T3 vẫn chưa được quyết định. Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa muốn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành vừa muốn làm chủ đầu tư nhà ga T3 và cho rằng vẫn có đủ năng lực tài chính lẫn lợi thế kinh nghiệm.

Bộ GTVT cũng kiến nghị với Chính phủ giao ACV đầu tư nhà ga T3, và nếu không là nhà đầu tư duy nhất, ACV có thể góp vốn ở mức 61%, hoặc 51% hay 36%.

flc dang mo nhung gi

Ngày 14/2 vừa qua, FLC đã khởi công dự án bệnh viện đa khoa quốc tế tại tỉnh Thái Bình với qui mô 1.000 giường bệnh trên diện tích 12ha và tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.722 tỉ đồng.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết đây là dự án mở đầu cho kế hoạch đầu tư chuỗi bệnh viện trên cả nước của Tập đoàn FLC trong nhiều năm tới. Kết hợp với Khu công nghiệp (KCN) Y Dược Công nghệ cao tại Vân Đồn, mục tiêu của FLC là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

flc dang mo nhung gi
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo nhà nước bấm nút khởi công Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thái Bình do FLC làm chủ đầu tư.

Hồi tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đồng ý với đề xuất của Tập đoàn FLC về việc xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Y Dược Công nghệ cao FLC Vân Đồn tại Quảng Ninh, dự kiến sẽ là Tổ hợp KCN Y Dược Công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam.

Dự kiến khu nghiên cứu, phát triển sản phẩm dược và thiết bị y tế công nghệ cao (CNC) có tổng diện tích 30 ha. Khu sản xuất sản phẩm dược, thiết bị y tế công nghệ cao, xuất nhập khẩu và công trình hạ tầng kỹ thuật có tổng diện tích 490 ha

Từ ngày 28 đến 30/11/2018, ông Lê Bá Nguyên – Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC đã có chuyến công tác tại Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ Y tế tại tỉnh Chungbuk, Hàn Quốc. Tại đây, ông Park Gusun – Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao sinh học Osong đã đề xuất mong muốn hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam và Tập đoàn FLC xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại KCN Y dược công nghệ cao FLC Vân Đồn.

Ngoài ra, 19 Tập đoàn, công ty sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế Hàn Quốc đã kí thỏa thuận ghi nhớ về việc hợp tác và cam kết đầu tư tại KCN Y dược công nghệ cao FLC Vân Đồn. Trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Tập đoàn CJ Healthcare, Tập đoàn Daewoo, công ty DongKoo…

flc dang mo nhung gi
Ông Lê Bá Nguyên - Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC (bên trái) ký kết thoả thuận ghi nhớ với đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc về việc hợp tác và cam kết đầu tư tại KCN Y dược công nghệ cao FLC Vân Đồn.
flc dang mo nhung gi

Tại Vân Đồn, FLC không chỉ tính việc xây dựng một KCN Y dược công nghệ cao. Ngày 2/2 vừa qua, Hãng hàng không Bamboo Airways đã khai trương đường bay mới kết nối TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh thông qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. Bamboo Airways cũng có kế hoạch xây dựng khu bảo dưỡng quy mô, hiện đại tại Vân Đồn trong thời gian gần.

Cuối tháng 12/2018, liên danh Tập đoàn FLC và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Vân Đồn là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án Khu dịch vụ và nghỉ dưỡng đảo Ngọc Vừng. Tổng diện tích sử dụng đất là 869.900 m2 (gần 87 ha) tại xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tổng chi phí thực hiện Dự án là hơn 4.181 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.

Công ty FLC Faros Vân Đồn là công ty con của CTCP Xây dựng FLC Faros – một công ty khác do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch.

Xem thêm

Kiên Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.