Không nên chỉ định thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Phối cảnh tổng thể dự án nhà ga lưỡng dụng của Vietstar AirlinesẢNH: VIETSTAR AIRLINES
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Quyết “đẩy” T3 về ACV
Trong 4 phương án nêu ra, Bộ GTVT khuyến nghị lựa chọn phương án giao ACV đầu tư nhà ga T3 với lý do đây là doanh nghiệp (DN) nhà nước được giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN là cần thiết.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết hiện ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện xây dựng nhà ga hành khách T3. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay dự án với thời gian dự kiến hoàn thành đưa dự án vào khai thác sau 37 tháng. Đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT “tiến cử” ACV. Trước đó, Bộ GTVT đã 2 lần đề xuất phương án này nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng ý của Thủ tướng.
Đáng nói, nhà ga hành khách T3 là dự án thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Tháng 2 vừa qua, Tập đoàn FLC cũng đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga này và khẳng định sẽ tập trung toàn lực để đưa công trình vào khai thác sau 1 năm xây dựng nếu được chấp thuận đầu tư. Mốc thời gian kỷ lục này không thể thuyết phục được Bộ GTVT với lý do đây mới chỉ là đề xuất, công ty này chưa có nghiên cứu cụ thể như ACV.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngay sau khi Thủ tướng ra quyết định đồng ý với phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của tư vấn Pháp ADPi, Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ GTVT báo cáo dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 do đơn vị này xây dựng, nhưng bộ này cũng bỏ qua.
Đại diện Vietstar Airlines cho biết, từ nhiều năm trước khi các cơ quan quản lý hàng không dân dụng (Cục Hàng không) chính thức đặt vấn đề điều chỉnh quy hoạch để mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Vietstar Airlines đã phối hợp với Quân chủng PK-KQ chuẩn bị dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng (T3) trên vị trí ga quân sự cũ.
Nhà ga T3 là dự án cấp bách để giải quyết tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất ẢNH: PHẠM HỮU
Dự án nhà ga T3 này đã được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch tại Quyết định số 3193 ngày 7.9.2015 “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và về cơ bản trùng khớp với các nội dung đề xuất quy hoạch chi tiết gần đây của tư vấn ADCC, tư vấn ADPi. Trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã gửi văn bản cho Bộ Quốc phòng đề nghị sớm khởi công xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng và tại cuộc họp của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng diễn ra ngay sau đó, Phó thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nhanh chóng triển khai xây dựng nhà ga này theo quy hoạch đã có.
Để chuẩn bị cho dự án, từ năm 2010 đến nay, Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt đã phối hợp chặt chẽ với Quân chủng PK-KQ và các đơn vị trực thuộc thực hiện hỗ trợ di dời các đơn vị quân đội, lập ban quản lý dự án nhà ga thuê tư vấn quy hoạch nhà ga và các công trình phụ trợ, thiết kế kiến trúc, thiết kế cơ sở và thu xếp các nguồn tài chính (bao gồm vốn tự có và vốn tín dụng). Đặc biệt, hiện DN đã giải phóng 100% mặt bằng 10 ha sẵn sàng cho việc thi công nhà ga hành khách với công suất thiết kế 9,8 triệu khách/năm, chỉ chờ chủ trương khởi công nhưng những báo cáo của Vietstar Airlines chưa một lần được Bộ GTVT trả lời và nhắc tới.
Phải đấu thầu công khai
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1.3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Thế nhưng, ngay sau đó, Bộ GTVT lấy lý do thời gian đấu thầu kéo dài, sợ xung đột lợi ích trong quá trình khai thác giữa ACV và nhà đầu tư để tiếp tục đề xuất Thủ tướng chỉ định giao ACV thực hiện dự án nhà ga T3.
Thực tế, việc giao ACV thực hiện nhà ga T3 cũng không thể giúp dự án nhanh chóng được triển khai vì những vướng mắc liên quan đến mặt bằng. Theo quy hoạch mới của Bộ GTVT, nhà ga hành khách T3 sẽ được xây dựng ở phía nam với diện tích sàn 100.000 - 120.000 m2 trên diện tích đất quốc phòng 16,37 ha. Khu đất này hiện đang thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng, nếu giao thẳng cho ACV sẽ vi phạm luật Đất đai, tương tự sai phạm khi ACV nhận bàn giao 7,63 ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay mà không có sự tham gia của UBND TP.HCM đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra trước đó. Bộ GTVT đang đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất lại cho UBND TP.HCM, sau đó mới giao lại cho Cảng vụ hàng không miền Nam (thuộc Bộ GTVT) và sau này giao cho ACV. Tuy nhiên theo quy định trường hợp có nhiều hơn 1 nhà đầu tư tham gia, UBND TP.HCM sẽ phải tổ chức đấu giá công khai, lựa chọn nhà đầu tư.
Vì sao không đấu thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất? Bộ GTVT trình 4 phương án đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất Cấp bách 'giải cứu' Tân Sơn Nhất
Chưa kể trong khi Bộ GTVT vẫn đang loay hoay chưa biết xoay xở thế nào để giao đất thì bản thân ACV cũng chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án mặc dù Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đã hơn 1 lần có công văn chỉ đạo, thúc giục.
“Để có được công trình với tiến độ, chất lượng, chi phí tốt nhất, các dự án phải đưa ra đấu thầu, khi không có người tham gia mới tính các phương án khác. Dự án nhà ga T3 có nhiều DN tranh nhau như vậy mà nhất quyết đẩy về cho 1 DN thì rất bất thường. Với 1 dự án mang tính cấp bách, Chính phủ hoàn toàn có thể tạo cơ chế để giảm bớt các thủ tục, đẩy nhanh quá trình đấu thầu nhưng nhất định không nên chỉ định thầu.” LS Trương Thanh Đức |