Ai là chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?
Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM đang quá tải - Ảnh: Trúc Phương |
Ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch HĐQT ACV - cho rằng sức ép phải sớm triển khai nhà ga T3 rất lớn vì đến cuối năm 2017 lượng hành khách thông qua Tân Sơn Nhất đã vượt con số 36 triệu lượt khách, trong đó nhà ga quốc nội T1 đã khai thác 22,37 triệu lượt, vượt 1,5 lần công suất thiết kế.
Về lộ trình xây dựng nhà ga T3, ACV lên lộ trình triển khai và phương án đầu tư, huy động vốn để nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 45-50 triệu lượt hành khách/năm.
Nhà ga T3 sẽ có công suất 20 triệu lượt khách/năm, diện tích khoảng 100.000m2, xây trên khu đất 16,37ha đã được Bộ Quốc phòng bàn giao, cùng với một số công trình phụ trợ khác, có tổng mức đầu tư khoảng 11.659 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào quý 3-2020, có thể bắt đầu khai thác từ quý 2-2022 nếu bảo đảm tiến độ.
Giới chuyên gia đánh giá nhà ga T3 sẽ là một trong những công trình hàng không có khả năng sinh lời cao nhất trong lĩnh vực hạ tầng hàng không hiện nay. Nhưng ai sẽ là chủ đầu tư công trình này?
Trong khi đang muốn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành, ACV vẫn không muốn buông dự án này, cho rằng vẫn có đủ năng lực tài chính lẫn lợi thế kinh nghiệm.
Bộ GTVT cũng kiến nghị với Chính phủ giao ACV đầu tư nhà ga T3, và nếu không là nhà đầu tư duy nhất, ACV có thể góp vốn ở mức 61%, hoặc 51% hay 36%.
Cũng đã có sự đánh tiếng của một công ty tư nhân trong nước khi Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPP của đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn đề nghị được tham gia đầu tư cùng ACV.
Để tư nhân tham gia một số hạng mục, theo các chuyên gia, sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cũng như tránh được việc độc quyền trong việc tăng giá dịch vụ hàng không của ACV. Vân Đồn, sân bay đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân đầu tư, tiến độ được triển khai nhanh chóng là một ví dụ.