|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chôn chân ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất

08:19 | 18/01/2019
Chia sẻ
Giao thông trên nhiều tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu căng thẳng khi lưu lượng phương tiện dần tăng cao.

Ghi nhận thực tế những ngày gần đây, nhiều tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất (TSN - quận Tân Bình, TP HCM), lưu lượng xe đang trở nên dày đặc dù chưa tới thời gian cao điểm Tết nguyên đán 2019. Vào dịp Tết dương lịch 2019 vừa qua, khu vực này đã phải chịu một "trận" kẹt xe nghiêm trọng khiến nhiều người lo ngại sẽ tái diễn và trầm trọng hơn khi dịp cao điểm đi lại Tết Kỷ Hợi 2019 đã cận kề.

Ùn tắc đang dần gia tăng

Trong chiều tối các ngày 14, 15, 16-1, hàng ngàn phương tiện phải nhích từng chút để lưu thông qua các tuyến đường quanh sân bay TSN. Trong đó, nghiêm trọng nhất là đường Cộng Hòa khi dòng xe như "chôn chân" từ khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả đến cầu vượt Hoàng Hoa Thám. Các phương tiện nối đuôi nhau kéo dài, chậm chạp chen nhau từng khoảng trống. Tại nút giao Lăng Cha Cả, xe cộ xếp ken kín mặt đường, kèn cựa từng chút để di chuyển. Dòng xe từ trục đường Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa…, khi lưu thông đến khu vực này bị dồn lại và càng trầm trọng hơn khi lượng phương tiện liên tục dồn đến. Ùn ứ tại khu vực này làm ảnh hưởng tới hàng loạt tuyến đường khác như Trần Quốc Hoàn, Thăng Long, Hoàng Văn Thụ…

chon chan o cua ngo tan son nhat
Trục đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ, cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất liên tục ùn ứ những ngày gần đây do lưu lượng phương tiện tăng cao.

Cảnh ùn ứ trên, theo ông Lê Văn Nghĩa (thường xuyên lưu thông qua khu vực sân bay TSN) vẫn chưa bằng chiều tối 28-12-2018 - thời điểm chuẩn bị Tết dương lịch, các tuyến đường tại khu vực trên chỉ có thể nói là… không lối thoát. Trong đó, căng thẳng nhất xảy ra trên đường Trường Sơn kéo dài tới vòng xoay Lăng Cha Cả - trục đường chính ra vào sân bay TSN. Các tuyến đường xung quanh như Hồng Hà, Bạch Đằng, Trần Quốc Hoàn và Phan Thúc Duyện, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khu vực này, nhiều giao lộ nghẹt cứng.

"Vào thời gian cao điểm Tết nguyên đán, không chỉ mật độ giao thông tăng cao mà tần suất các chuyến bay trong TSN cũng dày hơn, lượng người sẽ liên tục dồn đến nên nguy cơ xảy ra kẹt xe là rất cao nếu ngay từ bây giờ, lực lượng chức năng chưa có các giải pháp hữu hiệu để kéo giảm" - ông Nghĩa nhận định.

Theo Cảng Hàng không quốc tế TSN, năm 2018, lượng khách tại sân bay vào khoảng 38,4 triệu lượt (đạt 102,6% kế hoạch năm và tăng 6,72% so với năm 2017). Trong khi đó, đợt cao điểm Tết Kỷ Hợi 2019, đơn vị này dự báo lượng khách tiếp tục tăng, với tần suất khai thác của các hãng hàng không phục vụ các chuyến bay trong nước thời gian cao điểm từ ngày 20-1 đến 19-2 (tức từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng) tăng từ 8%-10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cao điểm nhất trước Tết dự báo là ngày 2-2 (tức 28 tháng chạp), với khoảng 900 lượt chuyến, tăng 73 chuyến bay so với ngày cao điểm Tết 2018. Với tình hình trên, nguy cơ ùn tắc giao thông càng trở nên nghiêm trọng.

Nhiều giải pháp mới

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, nhấn mạnh qua rà soát các điểm phức tạp về tình hình giao thông tại TP thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán 2019, 2 khu vực được xác định đặc biệt quan trọng là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái (quận 2). Vì vậy, ông Phong cho biết trong dịp Tết, đơn vị sẽ phối hợp chặt với Cảng Hàng không quốc tế TSN từ bên trong cho đến phía ngoài để chủ động giải quyết khi sự cố xảy ra liên quan đến tình hình giao thông.

Cũng theo trung tá Huỳnh Trung Phong, trên địa bàn TP đang xuất hiện những "bất ổn" về tình trạng vi phạm giao thông, nhất là sử dụng rượu bia, ma túy. Tại những điểm phức tạp như khu vực sân bay TSN, tình trạng này nếu xảy ra sẽ gây ảnh hưởng rất lớn nên đơn vị đã xây dựng các kế hoạch trọng tâm để xử lý vấn đề này.

Trong khi đó, theo Cảng Hàng không quốc tế TSN, đơn vị hiện cũng đã lên kế hoạch và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm tần suất khai thác của các chuyến bay cũng như tránh ùn tắc giao thông bên ngoài. Theo đó, tại ga quốc nội sẽ kéo dài băng chuyền số 4 và 6 để tăng công suất phục vụ lên 1,5 lần, đồng thời bổ sung 10 băng chuyền, tăng thêm 30% năng lực phục vụ hành lý cho hãng hàng không Vietjet. Bên cạnh đó, Cảng Hàng không quốc tế TSN cũng thông tin hệ thống sân đậu máy bay dịp cao điểm Tết nguyên đán năm 2019 sẽ khai thác tổng cộng 72 vị trí đỗ thương mại ngày và đêm, trong đó có 26 sân đỗ tự vận hành, tăng 17 vị trí đỗ so với dịp Tết nguyên đán 2018. Đồng thời, hệ thống đường lăn sẽ được điều chỉnh phù hợp để phục vụ 18 vị trí đỗ mới và sẽ cho hoàn thành cải tạo đường lăn E6, đáp ứng tần suất khai thác của các chuyến bay.

Đặc biệt, triển khai lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, bảo đảm an ninh và chống ùn ứ tại khu vực sân bay, xử lý các phương tiện dừng, đậu để đón, trả khách quá 3 phút. "Hiện các đơn vị đã thành lập tổ điều hành khai thác liên ngành tại nhà ga, hoạt động đến ngày 15-2, khi hết giai đoạn cao điểm Tết, để phối hợp xử lý ùn ứ tắc, bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực sân bay" - đại diện Cảng Hàng không quốc tế TSN khẳng định.

Thông xe nhánh cuối cầu vượt giải kẹt sân bay

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhánh cầu vượt trên đường Nguyễn Kiệm (phía Công viên Gia Định) nối qua đường Nguyễn Thái Sơn (thuộc dự án Xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm) - một trong những công trình thực hiện theo cơ chế cấp bách nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất - chính thức thông xe vào hôm nay (18-1).

Phương án tổ chức giao thông qua đây được tổ chức một chiều từ đường Nguyễn Kiệm qua cầu, hướng từ ngã tư Phú Nhuận đến đường Nguyễn Thái Sơn. Cấm xe có tổng tải trọng trên 10 tấn, xe thô sơ và người đi bộ. Một số tuyến đường gần đó là Đặng Văn Sâm (đoạn từ đường Hoàng Minh Giám đến Nguyễn Kiệm) và đường Bùi Văn Thêm, tổ chức lưu thông 2 chiều. Riêng đường Bùi Văn Thêm, hướng từ đường Nguyễn Kiệm về Hoàng Minh Giám cấm ôtô lưu thông từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ mỗi ngày.

Xem thêm

Gia Minh (Bài và ảnh)