|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ GTVT trình Chính phủ giao ACV đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất

20:44 | 26/03/2019
Chia sẻ
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bộ GTVT trình Chính phủ giao ACV đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Nhà ga quốc nội CHK quốc tế Tân Sơn Nhất

4 phương án đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

"Năm 2018, sản lượng hành khách thông qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt hơn 38,3 triệu hành khách. Nhà ga quốc nội đã khai thác 23,42 triệu hành khách (vượt 1,56 lần công suất thiết kế), nhà ga quốc tế đã khai thác 14,89 triệu hành khách (vượt 1,14 lần công suất thiết kế), chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Trong các năm tới nhu cầu tăng trưởng của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo vẫn đạt trung bình từ 10-15%/năm giai đoạn đến năm 2020, 6-10% giai đoạn đến năm 2025."

”Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký đề xuất 4 hình thức đầu tư nhà ga này gồm: Giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

Đề xuất của Bộ GTVT cũng phân tích cụ thể các ưu nhược điểm của từng phương án.

Cụ thể, với phương án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Bộ GTVT cho rằng không có tính khả thi do theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đầu tư công, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai thực hiện đầu tư khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong kế hoạch trung hạn đã được giao cho Bộ GTVT chưa cân đối được nguồn vốn cho dự án này. Thời gian thực hiện dự án cũng vì thế mà có thể bị kéo dài hơn do phải cân đối nguồn vốn.

Phương án thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư trước đây cũng đã được Bộ GTVT triển khai tại dự án nhà ga hành khách quốc Đà Nẵng và Cam Ranh, tuy nhiên, hiện còn có cách nhìn nhận khác nhau về phương án này và đang được tiếp tục làm rõ liên quan đến cơ sở pháp lý, hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, việc giao/cho thuê đất cũng như lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư…

Đối với phương án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT cho rằng sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ACV đang quản lý khai thác sân đỗ, nhà ga hành khách T1, T2... Trường hợp có nhà đầu tư mới sẽ phải được đào tạo và cấp chứng chỉ. Khi đó, quá trình vận hành, khai thác phức tạp hơn do phải có sự phối hợp, thống nhất của ACV và nhà đầu tư vì có lợi ích ảnh hưởng lẫn nhau.

Đáng nói hơn, nếu chọn phương án này, Bộ GTVT sẽ tiến hành tổ chức công bố danh mục; lập dự án, sơ tuyển nhà đầu tư; lập hồ sơ mời thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, cấp phép đầu tư và ký kết hợp đồng theo quy định của Nghị định số 63/2018. Thời gian thực hiện theo quy trình thông thường (đấu thầu quốc tế) khoảng 57 tháng hoặc khoảng 50 tháng sau khi chủ trương đầu tư được, theo quy trình đặc thù khi lựa chọn thầu có thể rút ngắn thêm 6 tháng.

Do vậy, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao ACV. “Do đây là DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu; đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là người khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết”, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ.

Đánh giá về lợi ích nhà nước và xã hội thông qua đấu thầu, Bộ GTVT phân tích: Do ACV là DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu nên ACV thực hiện đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể, để đảm bảo công bằng, minh bạch, ACV tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội. Việc tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng đã được các cơ quan có chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán hàng năm.

Bộ GTVT trình Chính phủ giao ACV đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.

CHK Tân Sơn Nhất thường xuyên đối mặt với tình trạng ách tắc cả trên trời, dưới đất, cả trong và ngoài nhà ga

Cùng đó, ACV cũng đã thể hiện được năng lực qua các công trình quan trọng được doanh nghiệp này đầu tư trong suốt thời gian qua như: Nhà ga hành khách T2 Nội Bài; CHK quốc tế Phú Quốc; Nhà ga hành khách CHK quốc tế Vinh; CHK Thọ Xuân; Cải tạo, nâng cấp CHK Pleiku; Nhà ga hành khách Cát Bi...

Đó là chưa nói đến việc khi ACV khai thác nhà ga hành khách T3 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, linh hoạt dây chuyền phục vụ với các nhà ga hiện có (T1, T2) sẽ tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản. Đồng thời, khi ACV đầu tư nhà ga hành khách T3 sẽ “đảm bảo nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một nhà khai thác cảng hàng không, sân bay” như qui định của ICAO.

Cùng đó, hiện ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện xây dựng nhà ga hành khách T3, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay dự án với thời gian dự kiến hoàn thành đưa dự án vào khai thác sau 37 tháng kể từ khi chủ trương đầu tư được duyệt.

Cuối cùng, theo Bộ GTVT, ACV là đơn vị được Nhà nước giao quản lý, khai thác, đầu tư tại 21 CHK đang khai thác trên cả nước, trong đó hiện chỉ có một số ít cảng hàng không có lãi (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh), các cảng còn lại chưa đủ bù đắp chi phí và đang được ACV bù lỗ, trong đó một số cảng có sản lượng rất thấp như CHK: Rạch Giá, Cà Mau, Điện Biên, Đồng Hới, Tuy Hòa... cũng cần đầu tư để phục vụ phát triển KT-XH các vùng miền, nhu cầu đi lại của người dân và theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc giao ACV làm chủ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng có hiệu quả tài chính nói chung và CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nói riêng là rất cần thiết, để tạo nguồn bù đắp một phần vốn đầu tư và duy trì khai thác liên tục tại các CHK không mang lại hiệu quả mà ACV đang quản lý để thực hiện nhiêm vụ chính trị, phát triển kinh tế vùng miền.

Thêm vào đó, CHK quốc tế có vị trí quan trọng về các hoạt động quân sự, đảm bảo an ninh quốc phòng nên việc đầu tư, khai thác nhà ga hành khách T3 cần được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, với phương án này chưa tận dụng được nguồn vốn xã hội khác cho đầu tư.

Kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho Bộ GTVT trình chủ trương đầu tư

Một điểm đáng chú ý khác trong văn bản này là Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Bộ GTVT là cơ quan trình chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, theo Bộ GTVT, Luật Đầu tư 2014 quy định: “Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”. Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.430 tỷ đồng. Do vậy, dự án này sẽ phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Trước đó, nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư của TP.HCM). Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có liên quan. Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước, gửi cơ quan đăng ký đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư trình UBND TP.HCM xem xét, có ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án đầu tư và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo quy định của Luật Đầu tư công 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A. Cụ thể, Bộ GTVT giao đơn vị trực thuộc tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) và giao đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định Pre-FS, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để hoàn chỉnh Pre-FS trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc giao cho một cơ quan chủ trì thẩm định Pre-FS trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Ý kiến thẩm định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định. Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định gửi ý kiến thẩm định để Bộ GTVT hoàn chỉnh Pre-FS trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

“Mặc dù còn có các quy định khác nhau về thủ tục trình chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, với quy mô của Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, chủ trương đầu tư đều được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do tính chất cấp bách cần triển khai dự án, với trách nhiệm là cơ quan quản lý quy hoạch, quản lý việc đầu tư xây dựng, quản lý đất đai tại cảng hàng không, sân bay, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Bộ GTVT trình chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất”, văn bản của Bộ GTVT nêu.

T. Bình