|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thứ trưởng GTVT giải thích vì sao chọn ACV làm dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất

17:07 | 19/03/2019
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ GTVT đã lên nhiều phương án tối ưu nhất. Nếu thực hiện chỉ định thầu cũng phải mất tối thiểu 40 tháng. "Từ đây, chúng tôi quyết định giao ACV thực hiện dự án này. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV".

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất?" diễn ra chiều 19/3 do Báo Giao thông tổ chức, trả lời câu hỏi tại sao Bộ GTVT lại chọn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để triển khai dự án Nhà ga hành khách T3 , Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho hay, ACV là nhà khai thác cảng hàng không đầu tiên và hiện đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước. Vừa qua, mới có thêm một nhà khai thác nữa là Vân Đồn.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, ACV là nhà khai thác cảng có nguồn lực để đầu tư và có kinh nghiệm nhất.

Thứ trưởng GTVT giải thích vì sao chọn ACV làm dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, nếu thực hiện chỉ định thầu dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất cũng phải mất tối thiểu 40 tháng. Ảnh minh họa.

Theo ông Thọ, khi lựa chọn phương án đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, có nhà đầu tư chỉ cần làm 1 - 2 năm là xong. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng công tác xây lắp một nhà ga công suất 20 triệu hành khách, điều đó là không thể. Đó là chưa nói đến công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án tiền khả thi, khả thi). Nếu là công trình loại A, phải thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu thiết kế. Sau khâu chuẩn bị đầu tư mới đến giai đoạn đầu tư và cuối cùng là giai đoạn kết thúc đầu tư (bao gồm nghiệm thu, thanh toán…). Đối chiếu quy định hiện hành, không thể làm trong 1 - 2 năm.

"Bộ GTVT cũng đã lên nhiều phương án tối ưu nhất. Nếu thực hiện chỉ định thầu cũng phải mất tối thiểu 40 tháng. Từ đây, chúng tôi quyết định giao ACV thực hiện dự án này. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV", ông Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, khi ACV còn trực thuộc Bộ GTVT, Bộ đã giao ACV nghiên cứu thực hiện Pre-FS (tiền khả thi) dự án. Đây là dự án thuộc nhóm A, phải trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư.

Trả lời câu hỏi vai trò của sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào trong mối tương quan với Cảng hành không quốc tế Long Thành; tiếp tục đầu tư Tân Sơn Nhất, trong khi đó 2 - 3 năm sau đã có Long Thành thì có lãng phí, chồng chéo hay không, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, công suất thiết kế của Tân Sơn là 28 triệu lượt khách. Năm 2018 đã đạt mức 38,3 triệu lượt khách. Đầu tư nhà ga T3 phải mất 4 năm, đến năm 2021 mới có thể đưa vào hoạt động. Cảng hàng không Long Thành, với tiến độ Quốc hội giao là 2025 phải hoàn thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu hành khách.

Với tốc độ tăng trưởng như trên, làm sao để đảm bảo Tân Sơn Nhất khai thác tốt và Long Thành cũng hiệu quả là vấn đề được đặt ra.

Theo ông Thọ, thứ nhất, hiện đã điều chỉnh quy hoạch. "Chúng tôi đã quyết định giao ACV nâng công suất T1, T2 lên 30 triệu hành khách. ACV đã hoàn chỉnh phương án, và tổ chức triển khai". 

Thứ hai, Bộ GTVT đang tính toán lại một loạt vấn đề, từ đường bay trên trục Bắc Nam, đưa sân bay Cần thơ, Phan Thiết vào khai thác để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. 

"Ví dụ, tại Tân Sơn Nhất, có đường bay đi Côn Đảo với 11 chuyến, chiếm 11 vị trí đỗ. Chúng tôi sẽ chuyển bớt về Cần Thơ. Khách từ phía Bắc đi vào sẽ bay thẳng đến Cần Thơ, không về Tân Sơn Nhất nữa, để giảm tải cho sân bay này", ông Thọ nói.

Khánh Hà