|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 7,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023

07:12 | 04/07/2022
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ tăng 7,8 triệu bao so với niên vụ trước, chủ yếu là nhờ sự phục hồi sản xuất tại Brazil và gia tăng tại Indonesia. Tuy nhiên, sản lượng của Việt Nam được dự báo sẽ giảm trong vụ tới.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng cung – cầu cà phê thế giới của USDA, cơ quan này dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Brazil.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là 118,2 triệu bao, tăng từ mức 117,3 triệu bao của vụ trước. Còn lại 18,3 triệu bao là cà phê hòa tan và 5 triệu bao là cà phê rang xay.

Dự trữ cuối kỳ dự kiến ​​sẽ tăng 2,1 triệu bao lên 34,7 triệu bao sau khi giảm mạnh vào vụ trước.

 Nguồn: USDA

Sản xuất của Brazil phục hồi trong khi Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm

Tại Brazil, sản lượng cà phê arabica được dự báo sẽ tăng 5,1 triệu bao lên 41,5 triệu bao. Phần lớn các khu vực sản xuất đang trong chu kỳ sản xuất hai năm một lần, do đó sản lượng khả năng sẽ cao hơn trong vụ tới. Tuy nhiên, sản lượng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 50 triệu bao trong các vụ mùa gần đây. 

Nhiều vùng trồng cà phê arabica tiếp tục phục hồi sau các đợt sương giá nghiêm trọng vào tháng 6 và tháng 7/2021 cũng như nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình cho đến tháng 9/2021. Băng giá nhẹ cũng được quan sát thấy vào tháng trước song dự báo chỉ gây thiệt hại nhẹ. 

Trong khi đó,  vụ thu hoạch cà phê robusta được dự báo sẽ tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục 22,8 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao so với vụ trước do điều kiện thời tiết thuận lợi và quản lý cây trồng tốt. Diện tích thu hoạch tăng nhẹ cũng góp phần làm tăng sản lượng. 

Như vậy, tổng sản lượng thu hoạch arabica và robusta của Brazil trong vụ 2022-2023 là 64,3 triệu bao, tăng 6,2 triệu bao so với vụ trước. 

Sản lượng cà phê arabica và robusta của Brazil trong niên vụ 2022-2023

 Nguồn: USDA

Tại Việt Nam, sản lượng dự báo đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta.

Mùa mưa bắt đầu sớm hơn những năm trước giúp cà phê ra hoa và phát triển tốt, đồng thời điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường cũng giúp giảm chi phí tưới tiêu.

Tuy nhiên, giá phân bón tăng vọt lên tới 70% trong 6 tháng qua trong khi giá cà phê trong nước vẫn đi ngang khiến nông dân giảm sử dụng phân bón, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất và sản lượng so với năm trước.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống 25 triệu bao và tồn kho cuối kỳ gần như không đổi ở mức 3,5 triệu bao.

Còn tại Comlombia, sản lượng cà phê arabica được dự báo không đổi ở mức 13 triệu bao trong điều kiện sản xuất bình thường. Nguyên nhân được cho là vì người nông dân hạn chế sử dụng phân bón do giá tăng đột biến gần đây.   

Colombia phụ thuộc nhiều vào các thành phần phân bón nhập khẩu như nitơ, phốt pho và kali.  Liên đoàn người trồng cà phê Colombia (Fedecafe) đã cung cấp một số lượng phân bón thông qua chương trình tái canh, nhưng nó không đủ để đáp ứng được tổng nhu cầu phân bón của các thành viên.

Xuất khẩu cà phê của Colombia được dự báo tương đương vụ trước ở mức 11,8 triệu bao, chủ yếu là xuất sang Mỹ và Liên minh châu Âu.

Sản lượng của Indonesia được dự báo sẽ tăng gần 800.000 bao lên 11,4 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Riêng sản lượng robusta dự kiến ​​đạt 10 triệu bao trong điều kiện sản xuất thuận lợi ở các vùng đất thấp của Nam Sumatra và Java, nơi trồng khoảng 75% cà phê robusta.

Mùa thu hoạch chính ở phía nam đảo Sumatra đã bắt đầu vào tháng 3 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục đến tháng 7. Sản lượng arabica cũng được dự báo tăng nhẹ lên 1,4 triệu bao. Xuất khẩu của Indonesia dự báo sẽ tăng 200.000 bao lên 6,5 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Tại Ấn Độ, sản lượng được dự báo sẽ tăng 200.000 bao lên 5,7 triệu bao do thời tiết thuận lợi trong giai đoạn ra hoa và đậu trái, điều ​​này dự kiến sẽ cải thiện đáng kể năng suất cà phê arabica và robusta. Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 100.000 bao lên 3,9 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, trong khi tồn kho vẫn ổn định.

Nhập khẩu cà phê của châu Âu và Mỹ tiếp tục tăng

Nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu trong niên vụ 2022-2023 được dự báo sẽ tăng 1 triệu bao lên 46 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (40%), Việt Nam (20%), Uganda (8%) và Honduras (7%).

Các kho dự trữ cuối kỳ của châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm 400.000 bao xuống 12,4 triệu bao để duy trì mức tăng khiêm tốn trong tiêu thụ.

Mỹ, nước nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai được dự báo sẽ tăng 500.000 bao nhập khẩu trong vụ 2022-2023, lên mức 25,5 triệu bao. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (30%), Colombia (19%), Việt Nam (10%) và Honduras (7%). Dự trữ cuối kỳ được dự báo sẽ tăng 300.000 bao lên 6,5 triệu bao.

Một số điều chỉnh dự báo niên vụ 2021-2022

USDA đã điều chỉnh sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 300.000 bao so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, xuống còn 167,1 triệu bao.

Trong đó, Brazil tăng 1,8 triệu bao lên 58,1 triệu bao nhờ sản lượng arabica cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, sản lượng của Honduras điều chỉnh giảm 1,4 triệu bao do ảnh hưởng của bệnh gỉ sắt ở lá.

Sản lượng của Colombia cũng giảm 800.000 bao do thời tiết mưa nhiều và thiếu nắng làm giảm sản lượng. Ngoài ra, sản lượng của Bờ Biền Ngà cũng được cắt giảm 670.000 bao do sản lượng thấp hơn.

Xuất khẩu cà phê nhân của thế giới được điều chỉnh tăng 200.000 bao lên 117,3 triệu bao. Riêng Brazil điều chỉnh tăng 4 triệu bao lên 34 triệu bao do ảnh hưởng của việc tắc nghẽn hậu cần đến thương mại thấp hơn dự báo.

Ngược lại, xuất khẩu của Honduras và Colombia giảm 1,3 triệu bao và 1 triệu bao do nguồn cung xuất khẩu giảm. Đồng thời, xuất khẩu của Bờ Biển Ngà cũng được điều chỉnh giảm 650.000 bao.

Nhập khẩu cà phê nhân của thế giới được điều chỉnh tăng 2,4 triệu bao lên 112,7 triệu bao. Trong đó, Liên minh châu Âu tăng 2,5 triệu bao lên 45 triệu bao do tiêu thụ cao hơn và tăng dự trữ.

Tồn kho cuối kỳ của thế giới được điều chỉnh tăng 2,7 triệu bao lên 32,7 triệu bao. Với EU tăng 1,5 triệu bao lên 12,8 triệu bao; Việt Nam tăng 500.000 bao lên 3,4 triệu bao; Mỹ tăng 400.000 bao lên 6,2 triệu bao.

Hoàng Hiệp

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.