USD lên cao nhất 8 tháng, chứng khoán toàn cầu hạ nhiệt
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đôla ICE chốt phiên tăng 0,74% lên cao nhất kể từ tháng 3/2016 khi giới đầu tư đánh giá cao khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12/2016, nhất là khi kinh tế Mỹ có thấy một số dấu hiệu tăng trưởng bền vững.
Mặt khác, USD cũng đang hưởng lợi lớn khi phần lớn thị trường đều nghiêng về bà Hillary Clinton trong 2 cuộc "đấu khẩu" vừa qua với ông Donald Trump, theo nhận định của giới phân tích.
Theo đó, euro bắt đáy hơn 2 tháng so với USD, với mức giảm trong cả phiên là 0,72% xuống giao dịch ở 1,1057 USD đổi 1 euro.
Bảng Anh tiếp tục suy yếu so với USD với mức giảm 1,8% trong cả phiên 11/10 và ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp. Bảng Anh được cho là sẽ còn tiếp tục mất giá so với USD cho tới khi kế hoạch Brexit được thực hiện.
Tuy nhiên so với yen, USD lại giảm 0,14% xuống 103,43 yen đổi 1 USD.
Trên thị trường chứng khoán, trong khi kết quả kinh doanh ảm đạm của khối doanh nghiệp kéo giảm niềm tin đầu tư tại Mỹ và châu Âu thì làn sóng chốt lời tại Hong Kong lại kéo giảm chỉ số chứng khoán toàn khu vực châu Á.
Chỉ số MSCI Toàn thế giới theo đó giảm mạnh 1,18%.
Tại Mỹ, ba chỉ số chứng khoán lớn, gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, đồng loạt giảm mnh hơn 1% trong cả phiên giao dịch.
Cổ phiếu tại châu Âu có phần giảm nhẹ hơn với chỉ số khu vực FTSE 300 giảm 0,6%. Trong đó, chỉ số FTSE 100 của Anh, DAX của Đức, CAC 40 của Pháp và IBEX35 của Tây Ban Nha đều chuyển sang sắc đỏ.
Tại châu Á, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương cũng chốt phiên giảm 0,57% với các thị trường lớn diễn biến trái chiều. Trong đó, thị trường chứng khoán Hong Kong giảm mạnh nhất do giới đầu tư đặt lệnh chốt lời khiến chỉ số Hang Seng giảm 1,27%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng giảm 0,64%. Ngược lại, cổ phiếu tại Nhật Bản và Trung Quốc (đại lục) vẫn giữ được đà tăng từ trước đó.