Ứng phó thế nào với ca mắc COVID-19 không có triệu chứng?
Đến sáng 16/4, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 13 trường hợp dương tính với Covid-19 tại thôn Hạ Lôi. Bệnh nhân 267 của cả nước cũng là bệnh nhân thứ 114 ở thủ đô. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố đã đề ra nhiều giải pháp đối phó với tình hình mới khi nhiều ca dương tính với Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng.
Lây lan âm thầm, khó kiểm soát
Thông tin tại buổi giao ban công tác phòng chống dịch Covid-19 hồi đầu tuần, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho hay qua thực tế điều tra, tới 68% các ca bệnh ở Hà Nội không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ. Ông cho rằng nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, khả năng bỏ sót đến 2/3.
Trả lời Zing về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, cho rằng đây là yếu tố phức tạp của dịch Covid-19 và đã ghi nhận ở nhiều nước.
"Tỷ lệ người dương tính với virus mà không có triệu chứng ở một số nước lên đến 40%. Những người này dù chưa có biểu hiện, hoặc biểu hiện rất nhẹ, vẫn có khả năng lây cho người khác", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Điều đáng lo ngại là trong cộng đồng có những người dương tính, mà không có triệu chứng sẽ khiến dịch bệnh lây lan một cách âm thầm, khó kiểm soát.
Ông cũng lưu ý người có triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi thì khả năng giải phóng virus lớn hơn những người chưa hoặc có nhưng triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc lây nhiễm trong quá trình ủ bệnh vẫn có thể xảy ra.
Còn Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn gọi các trường hợp nhiễm virus mà không có triệu chứng là ca bệnh "ẩn danh". Các trường hợp này nguy hiểm hơn so với các ca đã phát bệnh.
"Các trường hợp này rất khó phát hiện, bản thân người nhiễm bệnh cũng không biết mình đang mắc bệnh. Người ta vẫn tiếp xúc, đi lại trong cộng đồng gây nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người", ông Tuấn nói.
Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng đối với một số người khi phát bệnh có triệu chứng như sốt, ho chỉ rất nhẹ, thoáng qua khiến các bệnh nhân gần như không để ý. Tuy nhiên, có triệu chứng tức là họ đã có virus trong đường hô hấp và có thể lây nhiễm cho người khác.
"Khi chưa phát bệnh thì virus vẫn đang nằm trong tế bào, ở dưới sâu của phổi. Còn khi khởi bệnh, lượng virus sẽ phát tán thông qua đường hô hấp. Người bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho thì mầm bệnh sẽ thoát ra môi trường", ông Tuấn phân tích.
Trường hợp cảm, sốt phải được rà soát
Để đối phó với tình hình mới của dịch này, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho hay thành phố đã đề ra 2 chiến lược mới.
Một là Hà Nội giao các đơn vị, chủ trì là CDC thành phố và các quận, huyện xét nghiệm mở rộng các đối tượng có nguy cơ cao theo các tiêu chí như lịch sử tiếp xúc, quá trình đi lại, có ở trong vùng dịch hay không.
Ví dụ như vừa qua, khi phát hiện ổ dịch Bạch Mai, thành phố rà soát được gần 31.000 người từng ra, vào bệnh viện từ ngày 10/3. Rồi khi phát hiện ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, cũng như chợ hoa Mê Linh, thành phố cũng khẩn trương rà soát và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Đến nay tổng số mẫu xét nghiệm đã lên đến 50.000 mẫu.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục mở rộng các đối tượng xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Theo CDC Hà Nội, thành phố sẽ không chỉ tập trung các đối tượng trong diện nghi nhiễm như trước nữa. Khi phát hiện ca dương tính, các đơn vị sẽ tập trung tìm thật nhanh các trường hợp F1, F2 và F3 để xét nghiệm.
Ngoài ra, các trường hợp đã âm tính nhưng mới xét nghiệm 1 lần, CDC Hà Nội cũng sẽ rà soát lại để xét nghiệm, đảm bảo đủ 2 lần âm tính. Nhất là đối với các trường hợp có lịch sử từ vùng dịch hoặc từng cách ly tập trung.
CDC Hà Nội đề nghị các quận, huyện khi lấy được mẫu xét nghiệm thì gửi về CDC Hà Nội ngay trong ngày. Thậm chí, Giám đốc CDC đề nghị gửi mẫu bất kể thời gian nào, 24/24 để triển khai xét nghiệm một cách nhanh nhất.
Hai là thành phố yêu cầu các cửa hàng bán thuốc, dược sĩ kê khai thông tin của người đến mua thuốc, đặc biệt là những người có biểu hiện về đường hô hấp. Từ danh sách này, ngành y tế sẽ sàng lọc và đề nghị xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ.
"Có một số người ngại cung cấp thông tin, nhưng thành phố có thể đảm bảo rằng thông tin này chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch. Người dân nên khai báo đầy đủ, chính xác để phục vụ cho lợi ích của mình và cộng đồng", ông Tuấn nói.
Ông cũng nhắc lại chỉ đạo này từ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại buổi họp Ban chỉ đạo ngày 13/4. Theo đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các nhà thuốc thực hiện nghiêm, nếu vi phạm "sẽ xử lý, có thể tước giấy phép vĩnh viễn".
Theo ông Chung, việc người dân mua thuốc để chữa ho, hạ sốt có nguy cơ khiến cơ quan chức năng bỏ sót trường hợp dương tính. Ông cũng yêu cầu tất cả phòng khám tư nhân, bác sĩ tư nhân, kể cả bác sĩ về hưu, nếu có bệnh nhân ho, sốt, khó thở đến khám thì phải thông báo để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, không bỏ sót trường hợp nào.
Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh để phát hiện được sớm các nguy cơ "ẩn danh" trong cộng đồng cần phải có sự giám sát, phối hợp của người thân, các nhà thuốc và cả cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến nay, Hà Nội có 114 ca mắc Covid-19, trong đó có 51 trường hợp đã phục hồi và ra viện. 74 trường hợp dương tính được phát hiện tại cộng đồng.
Bệnh nhân 243 là người đầu tiên tại thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Chính quyền địa phương đã khoanh vùng, cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi, gồm 11 xóm với 2.973 hộ dân, 11.077 người, thời hạn 28 ngày kể từ 8/4.
Hơn 1 tuần sau khi phát hiện bệnh nhân 243 (ngày 7-15/4), thôn Hạ Lôi đã ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính với Covid-19.