Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 17/4: Mỹ có thêm gần 30.000 ca nhiễm mới, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nào trong 24h qua
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/4
Tính đến 7h sáng nay (17/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,1 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 145.417 người đã tử vong và 546.743 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Tròn 24h không có ca nhiễm mới
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến 6h sáng nay (17/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 268, trong đó 177 người đã khỏi bệnh và 91 người đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Như vậy, tròn 24h qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới nào. Trong tổng số 268 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%), 108 người lây nhiễm thứ phát. Dự kiến trong hôm nay sẽ có 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Tính đến sáng nay, có 73.758 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 369 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 11.628 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 61.761 người.
Đến nay đã có 33 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19.
Trên thế giới: Mỹ công bố kế hoạch mở cửa nền kinh tế
Tính đến 7h sáng nay (17/4), Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 677.056 ca nhiễm và 34.580 ca tử vong, tăng lần lượt 29.053 và 2.137 ca so với một ngày trước đó. Trong đó, New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 222.000 ca nhiễm và hơn 10.000 người tử vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/4 cho biết, ông đang khuyến nghị mở lại dần dần nền kinh tế Mỹ khỏi sự đóng cửa thảm khốc do lệnh hạn chế và hưa không áp đặt các bang về thời điểm mở cửa, theo hãng tin AFP.
"Dựa trên dữ liệu mới nhất, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi nhất trí có thể bắt đầu mặt trận mới trong cuộc chiến, được chúng tôi gọi là mở cửa nước Mỹ trở lại", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/4.
Tuy nhiên, các khuyến nghị của Tổng thống Mỹ đã khác xa so với vài ngày trước. "Chúng ta không đồng loạt mở cửa tất cả, mà cẩn thận làm từng bước một", ông nói.
Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 184.948 ca nhiễm và 19.315 ca tử vong, tăng lần lượt 4.289 và 503 ca trong vòng 24h qua.
Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau hai tuần áp dụng trên toàn quốc. Từ ngày 13/4, công nhân làm việc tại các nhà máy và công trường xây dựng ở nước này đã trở lại làm việc nhưng phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu không ra khỏi nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến 26/4.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận dấu hiệu chững lại của số ca nhiễm hàng ngày, cho thấy dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 3.786 ca nhiễm và 525 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 168.941 và 22.170 ca.
Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5 nhưng từ ngày 14/4, nước này đã thận trọng nới lỏng phong tỏa đối với một số lĩnh vực kinh tế nhưng vẫn tiếp tục yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang và găng tay ở nơi công cộng.
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 165.027 ca nhiễm và 17.920 ca tử vong, tăng lần lượt 17.164 và 753 ca so với một ngày trước đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 137.698 ca nhiễm và 4.052 ca tử vong; tăng lần lượt 2.945 và 248 ca so với một ngày trước đó.
Các hạn chế tại nước này bắt đầu được nới lỏng từ 15/4. Theo đó, hầu hết các cửa hàng sẽ được phép mở cửa trở lại khi họ có kế hoạch đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, các trường học vãn phải đóng cửa cho đến ngày 4/5 và lệnh cấm đối với các sự kiện công cộng lớn sẽ được duy trì cho đến ngày 31/8.
Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.617 ca nhiễm COVID-19 và 861 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 103.093 và 13.729 ca. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong toả tại Anh thêm ít nhất 3 tuần.
Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.341 trường hợp nhiễm COVID-19 và 3.342 ca tử vong.
Iran hiện đang là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 77.995 ca nhiễm và 4.869 ca tử vong, tăng lần lượt 1.606 và 92 ca so với một ngày trước đó.
Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Philippines hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 5.660 ca nhiễm và 362 ca tử vong, tăng lần lượt 207 và 14 ca.
Indonesia - quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực và là ổ dịch lớn thứ 2 tại Đông Nam Á. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 5.516 ca nhiễm và 496 ca tử vong; tăng lần lượt 380 và 27 ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 3 khu vực ghi nhận tổng cộng 5.182 ca nhiễm và 84 ca tử vong, tăng lần lượt 110 và 1 ca so với một ngày trước đó. Nước này đã ra lệnh đóng cửa biên giới, đóng cửa mọi trường học trong hai tuần và cấm tổ chức các sự kiện đông người.
Singapore hôm qua ghi nhận số ca nhiễm tăng kỉ lục thêm 728 ca nhiễm COVID-19 (tăng kỉ lục), nâng tổng số lên 4.427 ca, trong đó có 10 ca tử vong. Chính phủ nước này đã ban hành nhiều biện pháp để ngăn chặn virus lây lan như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu tới 4/5.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 29 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.672 và 46 ca.