|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/4: Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới, Việt Nam 48 giờ qua không có ca nhiễm mới

07:53 | 18/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 2,2 triệu người mắc COVID-19 và hơn 154.000 người tử vong. Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 700.000 ca nhiễm và hơn 37.000 ca tử vong.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 19/4

Tính đến 7h sáng nay (18/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 2,2 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 154.108 người đã tử vong và 570.774 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 18/4: Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới, Việt Nam 2 ngày liên tiếp không có ca mới - Ảnh 1.

Hơn 154.000 người tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam: Tròn 48 giờ qua không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến 6h sáng nay (18/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 vẫn là 268, trong đó 198 người đã khỏi bệnh và 70 người đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Như vậy, tròn 48h qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới nào. Trong tổng số 268 ca bệnh, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%), 108 người lây nhiễm thứ phát.

Tính đến sáng nay, có 69.045 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 324 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 11.549 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 57.172 người.

Đến nay đã có 33 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.

Trên thế giới: Tây Ban Nha vượt mốc 20.000 ca tử vong

Tính đến 7h sáng nay (18/4), Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 709.193 ca nhiễm và 37.117 ca tử vong, tăng lần lượt 31.623 và 2.498 ca so với một ngày trước đó.  

Đến nay, New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với hơn 222.000 ca nhiễm và hơn 10.000 người tử vong. Thống đốc Andrew Cuomo đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa bang này đến ngày 15/5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/4 đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ theo 3 giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh.

Ông Trump hôm 17/4 thông báo Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiến hành chương trình hỗ trợ mới trị giá 19 tỉ USD để giúp nông dân Mỹ giảm thiểu thiệt hại do đại dịch. Chương trình cứu trợ này nhằm hai mục tiêu chính là: hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và thu mua thực phẩm như sữa, thịt và các nông sản để phân phối tới các ngân hàng thực phẩm, các tổ chức cộng đồng nhằm phục vụ những người khó khăn.

Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 190.839 ca nhiễm và 20.002 ca tử vong, tăng lần lượt 5.891 và 687 ca trong vòng 24h qua.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận dấu hiệu chững lại của số ca nhiễm hàng ngày, cho thấy dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 3.493 ca nhiễm và 575 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 172.434 và 22.745 ca.

Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5 nhưng từ ngày 14/4, nước này đã thận trọng nới lỏng phong tỏa đối với một số lĩnh vực kinh tế. Quốc gia này đang lên kế hoạch triển khai một ứng dụng điện thoại thông minh để theo dấu tiếp xúc người dùng mắc COVID-19. Đây được coi là một trong các biện pháp giúp quốc gia này có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 147.969 ca nhiễm và 18.681 ca tử vong, tăng lần lượt 1.909 và 761 ca so với một ngày trước đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 141.397 ca nhiễm và 4.352 ca tử vong; tăng lần lượt 3.699 và 300 ca so với một ngày trước đó.

Các hạn chế tại nước này bắt đầu được nới lỏng từ 15/4. Theo đó, hầu hết các cửa hàng sẽ được phép mở cửa trở lại khi họ có kế hoạch đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, các trường học vãn phải đóng cửa cho đến ngày 4/5 và lệnh cấm đối với các sự kiện công cộng lớn sẽ được duy trì cho đến ngày 31/8.

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn ngày 17/4 cho biết sau 4 tuần áp dụng các biện pháp ứng phó, đến nay, Đức đã có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch bệnh.

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 5.599 ca nhiễm COVID-19 và 847 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 108.692 và 14.576 ca. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong toả tại Anh thêm ít nhất 3 tuần.

Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.692 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.632 ca tử vong (tăng 1.290 ca).

Số ca tử vong tăng mạnh trong ngày hôm qua là do thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đã đã sửa đổi số liệu các bệnh nhân được xác nhận nhiễm cũng như số ca tử vong do dịch COVID-19.

Iran hiện đang là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 79.494 ca nhiễm và 4.958 ca tử vong, tăng lần lượt 1.499 và 89 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ nước này đang hối thúc Quỹ Tiến tệ Quốc tế cho vay 5 tỉ USD để giúp đối phó với dịch COVID-19.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Indonesia đã trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 5.923 ca nhiễm và 520 ca tử vong (cao nhất khu vực); tăng lần lượt 407 và 24 ca so với một ngày trước đó.

Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ hai khu vực với 5.878 ca nhiễm và 387 ca tử vong, tăng lần lượt 218 và 25 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo sẽ áp dụng phong tỏa giống biện pháp thiết quân luật để ngăn chặn việc người dân đổ ra đường bất chấp lệnh phong tỏa.

Malaysia – ổ dịch lớn thứ 3 khu vực ghi nhận tổng cộng 5.251 ca nhiễm và 86 ca tử vong, tăng lần lượt 69 và 2 ca so với một ngày trước đó.

Singapore hôm qua ghi nhận thêm 623 ca nhiễm COVID-19 va 1 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 5.050 và 11 ca. Chính phủ nước này đã ban hành nhiều biện pháp để ngăn chặn virus lây lan như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu tới 4/5.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 28 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.700 và 47 ca.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang vật lộn với câu hỏi khi nào nên mở cửa trở lại đất nước, làm sao để tìm kiếm sự cân bằng giữa sống và chết với việc khôi phục lại các nền kinh tế bị đình trệ và việc ngăn chặn làn sóng virus thứ hai.

Hà Lê