|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Uber về tay Grab, tài xế phân vân, khách hàng lo độc quyền

11:32 | 27/03/2018
Chia sẻ
Bắt đầu từ ngày 8-4, ứng dụng Uber sẽ chuyển sang Grab. Thông tin này khiến không ít tài xế Uber phân vân còn người tiêu dùng lo Grab độc diễn thị trường.

Ngay sau khi có thông tin Grab mua lại Uber Đông Nam Á, tài khoản Fanpage Facebook có tên Uber Sài Gòn đã thay đổi thành CLB Grab Sài Gòn.

Trong khi đó, giới tài xế Grab liên tục khoe thông báo "Chào mừng Uber gia nhập đại gia đình Grab" mà mình nhận được trên ứng dụng này.

"Uber và Grab sẽ hợp nhất các hoạt động để phục vụ các bạn tốt hơn", thông tin này viết.

uber ve tay grab tai xe phan van khach hang lo doc quyen

Tài xế Uber ở Hà Nội trước văn phòng công ty này khi biết tin Uber ở Đông Nam Á đã về tay Grab - Ảnh: TUẤN PHÙNG.

Nhiều tài xế trong cả hai cộng đồng Grab và Uber đón nhận tin này khá bất ngờ, thậm chí có người còn không tin.

Anh Minh, một tài xế xe ôm UberMoto cho rằng đó là tin giả vì trong sáng 26-3, khách hàng đặt cuốc xe trên ứng dụng này vẫn nhận được mã giảm giá.

"Tôi vẫn chạy sáng giờ. Khách có người dùng mã giảm giá được giảm 10.000 đồng/cuốc", anh Minh khoe.

Anh Nam, một tài xế Uber, cũng cho biết anh vẫn chạy chở khách bình thường và không nhận được thông báo nào từ phía Uber là có sự thay đổi.

"Hiện tôi đăng ký cả hai ứng dụng nên nếu Uber không còn nữa thì cũng không ảnh hưởng gì", anh Nam chia sẻ.

Nhiều tài xế trước đây hợp tác với Grab sau đó ngưng sử dụng và chuyển sang mạng lưới Uber khá phân vân liệu họ được cộng tác trở lại với Grab.

Đại diện truyền thông của Grab Việt Nam cho biết Uber sẽ không chỉ còn hoạt động tại Việt Nam trong hai tuần tới và toàn bộ tài xế Uber được khuyến khích chuyển qua Grab nếu muốn.

Ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết đang có khá nhiều suy đoán và băn khoăn xung quanh sự việc này, nhất là các tài xế Uber có thể băn khoăn về chuyện gia nhập Grab.

Grab cho biết sẽ đảm bảo việc chuyển giao được suôn sẻ, trong đó, các tài xế và người sử dụng của Uber có thể dễ dàng được tích hợp vào nền tảng ứng dụng của Grab.

"Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để chào đón các đối tác tài xế của Uber ngay sau khi họ đồng ý tham gia để đảm bảo rằng mọi hoạt động đều diễn ra bình thường cho cả đối tác tài xế lẫn khách hàng", đại diện Grab Việt Nam cho hay.

Hãng này cho biết sẽ làm việc với các hợp tác xã và đối tác vận tải nhằm đảm bảo rằng họ "sẽ vẫn nhận được những lợi ích và chương trình thưởng như các đối tác hiện tại của Grab".

Trong khi ứng dụng Uber sẽ chuyển sang Grab từ ngày 8-4 tới thì Uber Eats (dịch vụ giao nhận thức ăn) sẽ tiếp tục hoạt động đến cuối tháng 5-2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber sẽ chuyển qua nền tảng GrabFood.

Grab độc quyền sẽ hết cạnh tranh?

Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á được đánh đồng với việc Grab gần như độc quyền trong lĩnh vực này tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tuy nhiên ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, làm việc tại Đại học Fulbright, cho rằng còn quá sớm để đánh giá tính chất thương vụ Uber và Grab về một nhà, nhất là về khía cạnh Luật Cạnh tranh.

Theo ông Tuấn, quan trọng là việc gia nhập hay rút lui khỏi ngành của một doanh nghiệp không xuất phát từ bị rào cản hay chi phí đáng kể nào, khi đó thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng tối ưu.

"Nếu giả sử nhờ vị thế tạm thời độc quyền mà Grab có lợi nhuận cao thì sẽ kích thích các nhà đầu tư gia nhập ngành, khi đó cạnh tranh sẽ trở lại.

Vấn đề là nhà nước phải đảm bảo điều kiện gia nhập ngành dễ dàng. Nếu lợi dụng vị thế độc quyền mà Grab tăng phí thì người đi xe sẽ sử dụng phương tiện thay thế khác", ông Tuấn nhận định.

Như Bình