|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Uber không thể “né” trách nhiệm tại Việt Nam

18:13 | 01/11/2016
Chia sẻ
Dù hoạt động đã lâu nhưng việc xác định hình thức kinh doanh và các vấn đề bảo vệ quyền lợi khách hàng của Uber tại Việt Nam còn gây tranh cãi. Đề tài này lại một lần nữa nóng lên khi được đề cập đến tại Tọa đàm Chính sách Quản lý Kinh doanh Dịch vụ Thương mại điện tử qua biên giới do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.
uber khong the ne trach nhiem tai viet nam
Ảnh minh họa (Nguồn: Lao động)

Bản chất và nghĩa vụ thuế của Uber tại Việt Nam

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Các đại biểu đều đồng tình rằng thương mại điện tử mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và xã hội nhưng cùng lúc đó cũng có nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt về khía cạnh pháp lý và quản lý. Và ví dụ điển hình về dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới được đưa ra phân tích là Uber, trong đó nổi bật là hai vấn đề bản chất của loại hình dịch vụ Uber và nghĩa vụ thuế của Công ty này khi hoạt động tại Việt Nam.

Về vấn đề bản chất của loại hình dịch vụ Uber, các chuyên gia từ Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KHĐT, Vụ Vận tải, Bộ GTVT và Đại học Kinh tế TP HCM đã cùng phân tích nhiều quan điểm phân loại dịch vụ này, bao gồm: dịch vụ vận tải hành khách (bằng xe hợp đồng hoặc xe taxi), dịch vụ công nghệ, dịch vụ hỗ trợ vận tải, và dịch vụ mới (dịch vụ kết nối vận tải).

TS. Võ Trí Hảo, Khoa Luật, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng dù Uber chưa được Bộ GTVT cho phép hoạt động thí điểm nhưng đối với loại hình dịch vụ tương tự là Grab, Bộ GTVT và các cơ quan quản lý thuế ở thành phố Hồ Chí Minh đã coi dịch vụ kết nối giữa lái xe với hành khách là mô hình cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ và chịu mức thuế GTGT là 5%.

Còn Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải. Như vậy, đối với dịch vụ phần mềm kết nối của Uber, Bộ Tài Chính coi đó là một bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải, chứ không phải là “dịch vụ khoa học công nghệ”, dù dịch vụ của Uber không có gì khác biệt so với Grab.

Ông Hảo nhận xét: “Qua khảo sát một số quốc gia trên thế giới, rất nhiều quốc gia cũng đã tiếp nhận ứng xử với Uber là phần mềm kết nối lái xe và hành khách, một bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải. Đó cũng chính là lý do mà Uber đưa ra khi thương thảo với các cơ quản quản lý thuế của Việt Nam. Bộ Tài chính coi Uber là “dịch vụ phần mềm kết nối tài xế và hành khách” tỏ ra là lựa chọn khôn ngoan nhất, mặc cho tính khoa học của nó còn gây ra nhiều tranh cãi.”

Uber phải thành lập hiện diện thương mại

Được biết, ngay từ tháng 11/2015, Bộ KHĐT đã có văn bản nêu rõ quan điểm về đề án xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải của doanh nghiệp của Uber: “Công ty Uber chưa đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ kết nối vận tải, theo đề án công ty mẹ Uber B.V tại Hà Lan sẽ đứng ra thực hiện các nghĩa vụ với các cơ quan Nhà nước và khách hàng tại Việt Nam là chưa phù hợp, vì vậy đề án cần điều chỉnh nghĩa vụ cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ, trong đó có nộp thuế theo pháp luật của Việt Nam”.

Do đó, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ KHĐT đưa ra hai vấn đề nổi cộm mà các nhà quản lý cần đặc biệt lưu tâm xem xét là xác định hình thức kinh doanh của Uber tại Việt Nam và vấn đề bảo vệ quyền lợi hành khách.

Về vấn đề xác định hình thức kinh doanh, ông Tuấn cho rằng nếu xác định Uber là dịch vụ kết nối vận tải như công ty này vẫn khẳng định, thì Việt Nam có thể toàn quyền quyết định quản lý vì trong danh mục dịch vụ cung cấp qua biên giới trong khuôn khổ WTO không có dịch vụ kết nối vận tải.

Về vấn đề bảo vệ quyền lợi cho hành khách, đại diện Bộ KHĐT cũng cho biết đã nghiên cứu kỹ các hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Uber và nhà cung cấp dịch vụ vận tải, cũng như giữa Uber và khách hàng, và nhận thấy rằng Uber hoàn toàn không chịu trách nhiệm về bất cứ vấn đề gì, và rằng mọi khiếu nại, tranh chấp sẽ được xử lý tại tòa án và theo pháp luật Hà Lan.

Từ đó, ông Tuấn đề xuất yêu cầu Uber thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, và đại diện này phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hoạt động của Uber tại Việt Nam.

Về vấn đề quản lý thuế của Uber, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nêu tình trạng: “Hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên họ nộp cho ngân sách quá ít và không đáng kể. Đa số, các doanh nghiệp tự khai báo doanh thu, tự tính toán cân đối số tiền nộp thuế và tự nộp cho Nhà nước. Thực tế cho thấy doanh thu và số thuế thu được có sự chênh lệch lớn. Điều này gây thất thu cho ngân sách và khiến mất công bằng trong quản lý thuế”.

Theo bà Cúc, để xác định được doanh thu đầy đủ, “phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng liên quan mới có thể xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ trên hệ thống máy tính, chủ của doanh nghiệp. Thậm chí phải có hỗ trợ của chuyên gia CNTT để phục hồi dữ liệu trong trường hợp người kinh doanh cố tình xoá thông tin liên quan đến kinh doanh”.

Minh Quang