“Uber” giúp việc nhà
Người giúp việc nhà đang làm việc thông qua ứng dụng của bTaskee. Ảnh: Xuân Huy |
Định cư ở Canada từ năm 1999, Đỗ Đắc Nhân Tâm theo học ngành công nghệ thông tin (IT) ở Đại học Waterloo - nơi được Bill Gates đến để tuyển đội ngũ IT cho mình. “Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được học ở đây”, Tâm chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp và làm việc cho một số công ty khởi nghiệp quốc tế, Tâm trở về Việt Nam để theo đuổi dự án riêng. Về nước tạo dựng một sản phẩm xuất phát từ Việt Nam rồi phát triển ra cả khu vực là ước mơ của anh.
Đáp ứng nhu cầu giúp việc nhà theo giờ
Sau khi thăm dò nhu cầu với nhiều ý tưởng khác nhau, Tâm nhận thấy nhu cầu thuê mướn người giúp việc nhà tăng nhanh ở các thành phố lớn. Giới lao động phổ thông, nhất là lao động nữ, có nhu cầu tìm việc bán thời gian là rất đông. Trong khi đó, dịch vụ giúp việc nhà toàn thời gian có những hạn chế của nó và không còn phù hợp với đời sống mới.
Từ năm, sáu ý tưởng khảo sát khác nhau, một giải pháp công nghệ “bTaskee” làm cầu nối cho dịch vụ giúp việc nhà theo giờ đã ra đời. Nhóm vận hành dự án có 16 người, trong đó có hai người Đức, một người Mỹ.
“Với chúng tôi, kỹ thuật không phải là vấn đề lớn, ứng dụng hiện tại có thể đáp ứng cho hàng triệu người. Điều quan trọng và khó nhất là tìm kiếm và tổ chức đội ngũ cộng sự. Thông qua các ngày hội khởi nghiệp trong và ngoài nước, tôi đã tìm được những bạn đồng hành có kiến thức, cùng tầm nhìn và có tác phong làm việc tốt”, anh Tâm nói.
Tháng 8-2015, dự án bắt đầu được khởi động. Tháng 3-2016, bTaskee ra đời và bước vào giai đoạn chạy thử. (Thông tin ứng dụng có tại địa chỉ www.btaskee.com). Đến nay, ứng dụng vừa cán mốc 5.000 việc được thực hiện. Bắt đầu ở quận 7, TPHCM, hiện nay, bTaskee đang mở rộng các văn phòng ghi danh ra những khu vực tiềm năng như quận 2, quận 3... để tạo điều kiện thuận lợi cho người giúp việc đăng ký. Số lượng người giúp việc đăng ký ở TPHCM đã hơn 400 người, chỉ với cách truyền thông ban đầu là truyền miệng. Ngoài giải quyết việc làm, dịch vụ của bTaskee xóa bỏ khoảng cách giữa người thuê và người giúp việc. Vị thế người giúp việc không phải là “con Sen” hay “người ở”. Người giúp việc được chủ động công việc của họ. Thỏa thuận giúp việc là thỏa thuận ngang hàng giữa các đối tác.
Với phản hồi tốt từ thị trường, anh Tâm cho biết sẽ mở rộng hệ thống chi nhánh ra cả nước trong thời gian tới.
Một kiểu Uber khác
Với mỗi chiếc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng bTaskee, người có nhu cầu thuê giúp việc theo giờ chỉ cần đăng và mô tả thông tin công việc. Vài giây sau, người giúp việc ở vị trí gần nhất tham gia dịch vụ của bTaskee sẽ nhận được thông tin và liên lạc trước với chủ nhà. Khách hàng có thể chọn số giờ cần giúp việc với mức chi phí từ 36.000 đồng/giờ, tùy vào tính chất công việc.
Theo anh Tâm, hiện nay, chuyện những người giúp việc dùng điện thoại thông minh không còn là vấn đề lớn. Vấn đề mà bTaskee cần giải quyết là bài toán lòng tin và an toàn cho cả người giúp việc lẫn người thuê. Với người giúp việc, khi tham gia dịch vụ, họ phải cung cấp chứng minh nhân dân và hộ khẩu có công chứng, cùng giấy xác nhận không tiền án tiền sự có chứng thực tại chính quyền địa phương. “Khi có vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc giữa người thuê và người giúp việc, chúng tôi sẽ lập tức cử người xuống để ghi nhận và tìm hướng giải quyết tại chỗ.
Anh Tâm cho biết trong số 5.000 việc đã được thực hiện, chỉ có 6 trường hợp có vấn đề phát sinh phải giải quyết. Anh kể lại một số tình huống: “Có trường hợp chủ nhà người Hàn phàn nàn người giúp việc ủi đồ không phẳng, chúng tôi cử nhân viên biết tiếng Hàn xuống khắc phục ngay. Có trường hợp chủ nhà cho rằng người giúp việc lười biếng, không làm hết việc, chúng tôi xuống tìm hiểu và biết rằng công việc quá nhiều, người giúp việc không thể giải quyết hết. Chúng tôi cũng nhắc khách hàng rằng với khối lượng công việc như thế thì nên đăng ký thêm 1 giờ thuê để tránh quá tải cho người giúp việc. Một trường hợp khác nữa, chủ nhà người nước ngoài phàn nàn người giúp việc đến trễ, chúng tôi đã xin lỗi và có giải thích là với hoàn cảnh mùa mưa, nước ngập và kẹt xe ở TPHCM, một số tình huống đến trễ là bất khả kháng, mong họ thông cảm...”.
Tâm cho biết thêm: “Dù là vấn đề xuất phát từ đâu, chúng tôi cũng giải quyết trên tinh thần khách quan để các bên đều vui vẻ. Hiện đội ngũ chăm sóc khách hàng của chúng tôi có các nhân viên biết nhiều thứ tiếng, đáp ứng những khách hàng đến từ các nước khác nhau”.
bTaskee cam kết chất lượng không chỉ ở quy trình tuyển lựa chặt chẽ mà cả quy trình đánh giá khách quan và liên tục với khách hàng. Với những trường hợp người giúp việc bị đánh giá điểm trung bình thấp, hệ thống sẽ có những cách xử lý phù hợp, trong đó có tạm khóa tài khoản hoặc ngưng hợp tác vĩnh viễn.
Anh Tâm tâm sự rằng dự án này lấy rất nhiều mồ hôi và tâm huyết của anh cũng như cả nhóm. Nếu lập công ty để kiếm tiền thì việc chọn ứng dụng này không phải là cách. Nhiều người cũng cho rằng đây là dự án kiếm tiền rất... “chua”. Có người khuyên anh dự án này nên được khởi nghiệp ở nước khác, không phải là Việt Nam. Thế nhưng, Tâm tin rằng bTaskee sẽ mang thêm công việc cho người lao động. Và khi vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nó sẽ được biết tới như một câu chuyện khởi nghiệp của người Việt, xuất phát từ Việt Nam.
Tháng đầu chạy thử đầy gian nan thử thách. Mỗi ngày chỉ vài công việc được đăng. “Có những lúc tôi nghĩ liệu mình đang đi sai chăng?”, anh tâm sự. Rồi khi ứng dụng được nhiều người quan tâm, đánh giá tốt thì đầu việc bắt đầu tăng nhanh. Các chị, các mẹ sau khi nhận việc có thu nhập, họ đến công ty và trở nên thân thiết với nhóm như người nhà. Tâm cho biết “đó là động lực để nhóm vượt qua những thử thách trong buổi đầu khởi nghiệp”.
Hiện bTaskee đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư. Đã có những nhà đầu tư quan tâm nhưng anh Tâm chưa tìm được tiếng nói chung với họ. Anh cho biết: “Nhà đầu tư ở Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á khác nhà đầu tư Mỹ hay Canada ở cách tiếp cận và sự kỳ vọng. bTaskee muốn tìm nhà đầu tư có tầm nhìn, kinh nghiệm quảng bá, mối quan hệ để giúp bTaskee phát triển, chứ không hẳn là bỏ tiền đầu tư trong một vài năm để thu lợi nhuận. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm”.