Uber đồng ý trả 20 triệu USD để dàn xếp vụ kiện với các tài xế
Theo đưa tin từ Reuters, trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán (IPO), Uber đã chính thức giải quyết một vụ kiện kéo dài 6 năm liên quan đến việc phân loại tài xế chạy cho Uber là nhân viên hay đối tác.
Uber tuyên bố đồng ý trả 20 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tập thể do Douglas O'Connor và Thomas Colopy đưa ra vào năm 2013. Số tiền này bằng 20% số tiền 100 triệu USD mà Uber đề nghị bồi thường vào năm 2016, tuy nhiên đã bị Thẩm phán bác bỏ vì cho rằng chưa thoả đáng.
Các nguyên đơn đã tố cáo Uber phân loại các tài xế của mình là đối tác để không phải trả cho họ mức lương tối thiểu và những phúc lợi đi cùng. Kể từ khi nộp đơn ban đầu, vụ kiện đã được tiến hành dưới hình thức kiện tập thể để đại diện cho hàng trăm ngàn tài xế ở California và Massachusetts.
Trong thoả thuận này, những người đủ điều kiện nhận khoản tiền dàn xếp bao gồm những lái xe làm cho Uber trong khoảng thời gian từ ngày 16/8/2009 đến ngày 28/2/2019 tại California hoặc Massachusetts.
Uber đồng ý trả 20 triệu USD để dàn xếp vụ kiện. Ảnh: Shutterstock
Vụ kiện là trọng tâm của cuộc tranh luận rộng rãi về lực lượng lao động cho các nền tảng công nghệ như giao hàng thực phẩm và dịch vụ thuê xe. Những người lao động trong nền kinh tế tự do (gig economy) tranh luận rằng họ xứng đáng được xem là nhân viên và nhận được tiền lương cùng những lợi ích tốt hơn.
Phát ngôn của Uber cho biết: "Kể từ năm 2013, Uber đã thay đổi rất nhiều. Chúng tôi cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho lái xe thông qua các cải tiến như chức năng nhận tiền tip qua app, ứng dụng điều khiển được tái thiết kế và các chương trình phần thưởng mới như Uber Pro. Chúng tôi rất vui mừng khi đạt được thỏa thuận về vấn đề này và sẽ tiếp tục làm việc để cải thiện chất lượng, tính bảo mật và tầm quan trọng công việc của các đối tác ."
Tuy nhiên, Shannon Liss-Riordan, luật sư đại diện cho phía các tài xế, cho rằng đây không phải là kết thúc của vấn đề. Mặc dù cô cho biết bản thân cảm thấy hài lòng vì đã đạt được một thỏa thuận, tuy nhiên nó chỉ dành cho một số ít tài xế.
Tại thời điểm này, Liss-Riordan cũng đang tích cực theo đuổi các vụ kiện khác nhằm đòi quyền lợi cho những người lao động làm việc cho các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tự do.
"Chúng tôi tiếp tục nhận được các vụ kiện đang chờ xử lý đối với Amazon, GrubHub, Lyft, DoorDash, Postmate, Handy và nhiều công ty khác đang bóc lột nhân viên của họ thông qua mô hình kinh doanh này", cô nói.