|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc phất lên nhờ bán hàng giá rẻ online

16:40 | 27/03/2024
Chia sẻ
Nhà sáng lập sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - Pinduoduo đã trở thành doanh nhân giàu nhất trong nhóm big tech khi giá cổ phiếu niêm yết tại Mỹ tăng mạnh.

Ông Colin Huang, nhà sáng lập PDD Holdings, đã trở thành tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc sau khi giá trị cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty này tăng vọt, theo South China Morning Post.

Sự gia tăng tài sản này đã giúp ông vượt qua nhiều tỷ phú công nghệ Trung Quốc khác là Pony Ma Huateng của Tencent Holdings và nhà sáng lập ByteDance, Zhang Yiming.

Theo Bảng xếp hạng người giàu toàn cầu Hurun 2024, vị tỷ phú 44 tuổi này đã gia tăng 71% tài sản, lên 385 tỷ nhân dân tệ (tương đương 53,4 tỷ USD) so với một năm trước đó.

Nhà sáng lập Pinduoduo, Colin Huang trở thành tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

PDD Holdings là công ty mẹ của nhà bán lẻ trực tuyến nội địa Pinduoduo và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu.

Pinduoduo được thành lập vào năm 2015 bởi Colin Huang, cựu nhân viên Google và kiêm nhà sáng lập rất nhiều công ty khởi nghiệp. Nhà bán lẻ trực tuyến này bắt đầu bằng hàng tạp hóa tươi sống giá rẻ, sau đó nhanh chóng đa dạng hóa các danh mục sản phẩm.

Ngay từ đầu, Pinduoduo - với chiến lược thương mại điện tử xã hội và quảng cáo chuyên sâu - cho phép người dùng hưởng rất nhiều ưu đãi, thậm chí là miễn phí nếu giới thiệu sản phẩm tới nhiều bạn bè WeChat. Các liên kết giảm giá theo đó nhanh chóng lan truyền và mang lại doanh thu cho Pinduoduo.

Sau khi có được cơ sở người dùng lớn ở các vùng nông thôn, Pinduoduo bắt đầu tiếp cận dân thành thị và đối tượng người dùng của Alibaba. Đến năm 2017, doanh thu hàng năm của Pinduoduo đã vượt 100 tỷ nhân dân tệ (13,9 tỷ USD), chỉ sau Taobao và JD.

Đến nửa cuối năm, Pinduoduo bắt đầu chuyển người dùng từ WeChat sang ứng dụng của riêng mình. Đà tăng trưởng giúp công ty niêm yết thành công tại New York vào năm 2018, chỉ 4 năm sau Alibaba.

“Chúng tôi không đặt mục tiêu trở thành Alibaba tiếp theo. Pinduoduo đại diện cho một hình mẫu khác biệt”, Founder Huang nói và cho biết chiến lược cốt lõi của công ty là “thỏa mãn cảm giác được nhận ưu đãi của người dùng”.

Năm 2023, giá cổ phiếu của PDD tại Mỹ đã tăng 80%, giúp vốn hóa thị trường của công ty tăng thêm 91,3 tỷ USD. Sàn thương mại điện tử Pinduoduo của PDD đã vượt qua các đối thủ được điều hành bởi Alibaba Group Holding và JD.com trên thị trường nội địa. Nền tảng nước ngoài của PDD là Temu, cũng tích cực mở rộng ở các thị trường nước ngoài để thu hút người dùng.

Colin Huang là cổ đông cá nhân lớn nhất của PDD với 26,5% cổ phần, tương ứng với giá trị 43,3 tỷ USD dựa trên giá cổ phiếu của công ty tính đến ngày 22/3. Ông đã từ chức Chủ tịch vào năm 2021 để tập trung mảng nông nghiệp của công ty.

Theo Hurun, tài sản tăng vọt của Huang đã đưa ông lên vị trí thứ 24 trong danh sách người giàu toàn cầu, so với vị trí thứ 39 trong bảng xếp hạng một năm trước.

"Colin Huang là doanh nhân gia tăng tài sản nhiều nhất Trung Quốc hai năm liên tiếp", Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu của Báo cáo Hurun, cho biết. "Thật khó tin khi anh ấy đã lọt vào top 30 doanh nhân toàn cầu kể từ khi thành lập Pinduoduo chưa đầy 10 năm trước", ông Hoogewerf nói thêm.

Theo danh sách của Hurun, tỷ phú Zhong Shanshan, người sáng lập công ty sản xuất nước đóng chai Nongfu Spring, vẫn là người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá 450 tỷ nhân dân tệ.

Theo Hurun, danh sách dựa trên giá trị tài sản tính đến giữa tháng 1 năm nay, tài sản của Ma Huateng giảm 10% xuống 250 tỷ nhân dân tệ, trong khi tài sản của Zhang Yiming giảm 8% xuống 245 tỷ nhân dân tệ. Cả hai đều tụt xuống một bậc, lần lượt xếp thứ ba và thứ tư.

Mặc dù Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất trên toàn cầu, nhưng nhóm này đã giảm 155 người, xuống còn 814 người trong 12 tháng qua, theo Báo cáo Hurun. Tại Mỹ, số lượng các tỷ phú tăng 109, lên 800 người.

Thuỳ Trang

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.