|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ Temu rời vị trí người giàu nhất Trung Quốc sau hai tuần

14:35 | 27/08/2024
Chia sẻ
Mức giảm một phiên sâu nhất của cổ phiếu PDD kể từ khi niêm yết đã thổi bay gần 40 tỷ USD vốn hóa thị trường. Điều này khiến tài sản ròng của nhà sáng lập Pinduoduo - Colin Huang, giảm hơn 14 tỷ USD, rời khỏi vị trí người giàu nhất Trung Quốc.

Phiên 26/8, cổ phiếu của PDD Holdings Inc., công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Temu, đã giảm mạnh. Điều này khiến tài sản của nhà sáng lập Colin Huang "bốc hơi" 14,1 tỷ USD - mức giảm một ngày lớn nhất từ trước đến nay của ông, theo Bloomberg.

Hiện Huang đứng thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản 35,2 tỷ USD. Đây là một cú trượt dài đối với người sáng lập PDD. Hôm 8/8, ông trở thành tỷ phú công nghệ đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng người giàu Trung Quốc trong hơn ba năm qua, vượt quaZhong Shanshan. Vị tỷ phú ngành nước đóng chai đã lấy lại vị trí số 1 với khối tài sản trị giá 50 tỷ USD.

 Tỷ phú Colin Huang. (Ảnh: Bloomberg).

PDD công bố doanh thu quý thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích và cảnh báo tăng trưởng doanh số sẽ chậm lại. CEO Chen Lei liên tục nói với các nhà phân tích trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh rằng đà tăng trưởng hiện tại của công ty không bền vững, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh như TikTok của ByteDance và Alibaba đang tranh giành người mua hàng.

Cổ phiếu của công ty niêm yết tại Mỹ đã giảm 29% - mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Ban lãnh đạo cũng hạ thấp kỳ vọng về khả năng chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu trong vài năm tới.

Theo ông Chen Lei, PDD đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên nhiều mặt trận và cả những bất ổn từ các yếu tố bên ngoài. Do đó, ban lãnh đạo nhất trí đây không phải là thời điểm thích hợp để mua lại cổ phiếu hoặc chia cổ tức. Và trong những năm tới, công ty cũng chưa có dự định đó.

Colin Huang thành lập PDD vào năm 2015 sau khi khởi động một số dự án về trò chơi và thương mại điện tử. Cựu kỹ sư Google này nhanh chóng vươn lên hàng ngũ những người giàu nhất thế giới, với tài sản ròng đạt đỉnh 71,5 tỷ USD vào đầu năm 2021. Ông từ chức CEO vào năm 2020 và rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị năm 2021, khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

Nền tảng thương mại điện tử này nổi tiếng với việc bán sản phẩm giá rẻ kèm theo các chương trình khuyến mãi lớn, thu hút người tiêu dùng tiết kiệm khi lạm phát toàn cầu tăng cao. Công ty đã mở rộng ra ngoài Trung Quốc dưới thương hiệu Temu và nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Mỹ sau khi ra mắt vào năm 2022.

Kể từ đó, Temu bắt đầu thách thức gã khổng lồ mua sắm trực tuyến Shein cũng đến từ Trung Quốc và thậm chí cả Amazon.com Inc. trong một số phân khúc nhất định.

Tuy nhiên, công ty đã phải đối mặt với sự bất mãn từ các nhà cung cấp, nhân viên và chính phủ. Hàng trăm thương nhân nhỏ đã tổ chức một cuộc biểu tình tại văn phòng PDD ở miền Nam Trung Quốc vào mùa hè này để phản đối những gì họ gọi là hình phạt không công bằng do công ty áp đặt.

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đang xây dựng một đề xuất nhằm đóng lỗ hổng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến, còn các nhóm vận động hành lang Mỹ đang thúc đẩy áp dụng ngưỡng 10 USD cho các lô hàng miễn thuế, thay thế mức 800 USD hiện tại.

Trước đó, luật hải quan Mỹ cho phép các hãng TMĐT Trung Quốc tránh phải trả thuế hay lệ phí với những lô hàng được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng nếu có giá trị dưới 800 USD.

 (Ảnh: Just Style).

Mới đây, Shein, ông lớn ngành thời trang nhanh Trung Quốc cũng vừa đệ đơn kiện Temu ra tòa án liên bang ở Washington, D.C, theo CNBC.

Shein cáo buộc Temu đã đánh cắp thiết kế, xây dựng đế chế kinh doanh dựa trên hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận. Trong đơn kiện, Shein cho rằng Temu khuyến khích người bán sao chép thiết kế của các thương hiệu khác và kinh doanh trên sàn này. Temu còn ngăn cản người bán gỡ bỏ sản phẩm khỏi nền tảng, ngay cả khi họ đã thừa nhận vi phạm.

Đáp lại, phát ngôn viên của Temu gọi hành động của Shein là "trơ tráo không thể tin nổi", đồng thời chỉ trích Shein đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện tụng về sở hữu trí tuệ. 

Trong cuộc đua giành thị phần, Shein và Temu đã nhiều lần đưa nhau ra tòa với hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng. Năm ngoái, Temu từng kiện Shein về vấn đề bản quyền và cáo buộc đối thủ này sử dụng "thủ đoạn đe dọa kiểu mafia" để ép buộc các nhà cung cấp ký kết thỏa thuận độc quyền.

Thành Vũ