Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc lập kỷ lục mới khi nền kinh tế giảm tốc
Vào tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đã leo lên mức cao nhất kể từ khi phương pháp tính toán mới được áp dụng vào tháng 12/2023. Các nhà phân tích đánh giá sự giảm tốc của nền kinh tế và các chính sách tuyển dụng hạn chế là nguyên nhân dẫn đến kết quả này.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của các cá nhân trong độ tuổi 16 - 24 và không đi học đã vọt lên mức 18,8%, theo Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 20/9.
Con số này cao hơn tỷ lệ 17,1% trong tháng 7 và 13,2% trong tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp đối với mọi nhóm tuổi tại khu vực thành thị cũng tăng từ mức 5,2% trong tháng 7 lên 5,3% vào tháng 8.
Ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại HSBC, cho biết: “Người trẻ ngày càng khó tìm công việc trả lương cao như trước. Lý do là trong ba năm qua, các ngành dịch vụ từng tuyển dụng rất nhiều sinh viên mới ra trường bị suy yếu nặng nề, đặc biệt là bất động sản, tài chính và công nghệ thông tin”.
Người trẻ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách tuyển dụng hạn chế của doanh nghiệp giữa thời buổi kinh tế khó khăn. Không ít doanh nghiệp từ chối tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp do lo ngại về sự khó khăn và các chi phí liên quan khi sa thải nhân viên.
Ông Shaun Rein, nhà sáng lập của China Market Research Group, lý giải: “Nhiều công ty không muốn thuê cử nhân mới ra trường bởi họ ngại chi phí và rào cản pháp lý nếu phải cắt giảm nhân sự sau một năm do nền kinh tế vẫn trì trệ.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty phải chi trả theo quy tắc n+2. Tức là nếu một nhân viên đã làm việc trong hai năm thì công ty cần báo trước 30 ngày và trả hai tháng tiền lương.
Chi phí này khá đắt đỏ nên không công ty nào muốn sa thải lao động hay thuê người mới. Đó là lý do tỷ lệ thất nghiệp nói chung không tăng vọt nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lại cao đến vậy”.
Bà Erica Tay, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank, cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong mùa tốt nghiệp đại học thường cao hơn những tháng mùa hè.
Bà nói với CNBC: “Các cử nhân mới bước vào thị trường việc làm khi lớp trước đó cũng chưa kiếm được công việc. Sự chen chúc này làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng thất nghiệp lâu dài”.
Ngoài số liệu thất nghiệp, trong những tuần gần đây Trung Quốc cũng công bố một loạt dữ liệu gây thất vọng, bao gồm doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tăng trưởng thấp hơn dự kiến.
Trung Quốc ngừng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong vài tháng cuối năm ngoái nhằm đánh giá lại phương pháp tính toán. Tỷ lệ thất nghiệp mới không bao gồm những người vẫn đang đi học, phản ánh số người học lên cao ngày càng tăng khi sự cạnh tranh trên thị trường việc làm trở nên gay gắt hơn.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với không ít thách thức từ khủng hoảng bất động sản và niềm tin người tiêu dùng yếu kém. Ngày càng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh bổ sung biện pháp kích thích để tránh nguy cơ nền kinh tế bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.