|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ của các chính quyền địa phương là vật cản vô hình lên tăng trưởng, gây rủi ro lớn cho các ngân hàng Trung Quốc

08:10 | 17/09/2024
Chia sẻ
Các nỗ lực ổn định nợ và gia tăng nguồn thu của chính quyền địa phương Trung Quốc gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chuyên gia đánh giá các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương là mối nguy lớn với hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn đang xây dựng đường cao tốc, cầu và đường sắt, như hình ảnh ở tỉnh Giang Tây vào ngày 6/9/2024. (Ảnh: Getty Images). 

Tương quan với tiêu dùng

Lĩnh vực tiêu dùng tại Trung Quốc sa sút kéo dài là do khủng hoảng bất động sản - và mối liên hệ sâu sắc giữa thị trường nhà đất và nợ của chính quyền địa phương.

Trong hai thập kỷ qua, phần lớn tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc được đổ vào bất động sản, trước khi Trung Quốc siết chặt quy định quản lý vào năm 2020.

Giờ đây, giá nhà ở Trung Quốc đang lao dốc và các nhà phát triển bất động sản cũng cắt giảm việc mua đất. Điều đó gây ra tổn thất lớn đối với nguồn thu của các địa phương, đặc biệt là ở cấp quận và huyện, theo đánh giá của các nhà phân tích S&P Global Raings.

Họ dự đoán rằng tính từ tháng 6 năm nay, tình hình tài chính của các địa phương Trung Quốc sẽ cần 3 đến 5 năm để phục hồi về mức lành mạnh.

Bà Wenyin Huang, Giám đốc tại S&P Global Ratings, cảnh báo: “Sự chậm trễ trong việc phục hồi nguồn thu sẽ gây khó cho nỗ lực cắt giảm nợ của các chính quyền. Các yếu tố kinh tế vĩ mô bất lợi vẫn đang cản trở khả năng tạo nguồn thu của các chính quyền địa phương, đặc biệt là với những khoản liên quan đến thuế và đất đai”.

Năm nay, các quan chức địa phương đang nỗ lực hết sức để có nguồn thu. Điều này khiến những doanh nghiệp đang chịu căng thẳng càng có ít động lực để thuê thêm nhân viên hay tăng lương, dẫn đến việc người tiêu dùng càng bất an về thu nhập tương lai.

Truy thu thuế từ hàng chục năm trước

Trong năm nay, hàng chục công ty Trung Quốc tiết lộ trong hồ sơ gửi lên cơ quan quản lý chứng khoán rằng họ đã nhận được yêu cầu thanh toán các khoản thuế trong quá khứ, có trường hợp là từ tận năm 1994.

Số tiền bị truy thu nằm trong phạm vi từ 10 đến 500 triệu nhân dân tệ (khoảng từ 1,4 đến 70,5 triệu USD), bao gồm thuế tiêu dùng, thuế xuất khẩu, phí nộp chậm và nhiều khoản phí khác.

Ngay cả ở tỉnh Chiết Giang tương đối giàu có, công ty sản xuất phụ gia dầu Ningbo Bohui Chemical Technology cũng bị các nhà chức trách yêu cầu nộp 300 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 42,3 triệu USD) theo luật thuế tiêu dùng sửa đổi.

Nỗ lực truy thu thuế của các nhà chức trách đã làm tổn thương niềm tin vốn đã mong manh của doanh nghiệp. Kể từ tháng 6/2023, chỉ số Điều kiện Kinh doanh CKGSB - khảo sát hàng tháng về doanh nghiệp Trung Quốc - đã dao động quanh ngưỡng 50 điểm, tức lằn ranh giữa sự mở rộng và sụt giảm. Đến tháng 8/2024, chỉ số này rớt xuống 48,6 điểm.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc mới chỉ nhích nhẹ kể từ mức thấp nhất trong đại dịch COVID-19.

Bà Camille Boullenois, Giám đốc tại Rhodium Group, bình luận: “Áp lực truy thu thuế từ nhiều năm trước cho thấy các quan chức địa phương đang phải vật lộn để tìm ra nguồn thu mới”.

Bà Lauri Li, trưởng nhóm cơ sở hạ tầng Trung Quốc của S&P Global Rating, nói với CNBC năm ngoái: “Đối với các chính quyền địa phương Trung Quốc, nguồn thu là vấn đề quan trọng cần phải cải thiện.

Rất nhiều khoản chi của chính quyền là thiết yếu, ví dụ như chi cho giáo dục và trả lương công chức. Họ không thể cắt giảm chúng như các khoản chi cho phát triển đất”.

Tranh cãi về cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Một trong những cách trực tiếp nhất để thúc đẩy nguồn thu là kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong bối cảnh giới chức trách Trung Quốc ưu tiên giảm nợ vay, quá trình chuyển trọng tâm chính sách từ đầu tư sang tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn.

Nhóm chuyên gia về châu Á của Morgan Stanley viết trong báo cáo: “Điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nhận ra là đầu tư đang tạo ra tốc độ tăng trưởng GDP thấp - gây áp lực buộc doanh nghiệp giảm quỹ lương và dẫn đến sự gia tăng rõ rệt của tỷ lệ nợ”.

Nhóm chuyên gia cho biết những nỗ lực giảm đòn bẩy nợ tương tự của Trung Quốc trong giai đoạn 2012 - 2016 cũng khiến tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm và dẫn đến sự gia tăng của tỷ lệ nợ/GDP. Họ bình luận: “Chu kỳ này cũng có diễn biến tương tự”.

Morgan Stanley cho biết kể từ năm 2021, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã tăng gần 30 điểm % lên 310% vào quý II/2024. Ngân hàng dự đoán tỷ lệ này sẽ lên cao hơn nữa và đạt 312% vào cuối năm nay.

Các chuyên gia của Morgan Stanley ước tính GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong quý III so với một năm trước, “xa rời” mục tiêu chính thức là khoảng 5%.

Mối nguy lớn với ngân hàng

Việc thực hiện thay đổi chính sách lớn luôn là điều khó khăn với các quốc gia, Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.

Đằng sau sự tập trung vào lĩnh vực đầu tư là mối liên kết phức tạp giữa các công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV). Những công ty này "thay mặt" chính quyền địa phương vay mượn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công có ít khả năng sinh lời.

Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng về châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, nhận định đối với các ngân hàng, LGFV là “con tê giác xám lớn hơn cả ngành bất động sản”. Trong kinh tế, "tê giác xám” là phép ẩn dụ cho những rủi ro có khả năng xảy ra cao và tác động lớn nhưng đang bị bỏ qua.

Nghiên cứu của Natixis cho thấy các ngân hàng Trung Quốc gặp rủi ro với các khoản vay dành cho LGFV hơn là nợ vay của các nhà phát triển bất động sản và nợ thế chấp.

Chuyên gia Li của S&P Global Ratings chỉ ra: “Không ai biết liệu Trung Quốc có cách nào hiệu quả để nhanh chóng giải quyết vấn đề LGFV không.

Chính phủ Trung Quốc đang cố xoay xở để có thời gian giải quyết những thách thức thanh khoản cấp bách nhất nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Nhưng cùng lúc đó, các chính quyền địa phương và trung ương không có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề cùng một lúc”.

Giang