Giới chuyên gia ngờ vực mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc, ông Tập hối thúc các quan chức tăng cường nỗ lực
Gần đây các nhà kinh tế phương Tây đã bắt đầu thể hiện sự hoài nghi đối với động lực tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới. Trong bối cảnh này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi quan chức ở các cấp dốc sức để đạt được tốc độ tăng trưởng năm 2024.
Ông Tập phát biểu tại cuộc họp do ông chủ trì tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc: “Các quan chức cần phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cả năm 2024. Mọi địa phương, ban ngành cần tích cực triển khai các sáng kiến, biện pháp kinh tế lớn do ủy ban trung ương đưa ra và hoàn thành nhiệm vụ kinh tế quý III và quý IV”.
Trong thời gian qua, số nhà kinh tế Phố Wall dự đoán Trung Quốc có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ngày càng tăng, bao gồm các chuyên gia thuộc UBS Group và JPMorgan. Những nhà kinh tế này nhận định để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5%, Bắc Kinh cần tăng tốc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các chương trình khác.
Nền kinh tế 17.000 tỷ USD của Trung Quốc đang gặp rắc rối vì cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài gây khó khăn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tâm lý - bao gồm giảm lãi suất - vẫn chưa tạo ra được tác dụng nổi bật. Vì vậy, Trung Quốc vẫn phải dựa vào ngành sản xuất và xuất khẩu để cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng.
Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING Bank, bình luận: “Việc ông Tập đưa ra lời kêu gọi vào thời điểm này có lẽ có liên quan đến những dữ liệu kinh tế yếu kém trong vài tháng qua.
Lời của ông Tập sẽ thúc đẩy các quan chức hành động khẩn trương hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng ta sẽ thấy nền kinh tế Trung Quốc nhận được thêm sự giúp đỡ từ chính phủ trong những tháng tới”.
Ông Song hy vọng Trung Quốc sẽ triển khai các chính sách giúp kích thích cả đầu tư lẫn tiêu dùng cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng ông cũng lưu ý về một thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, đó là sự sụt giảm của các dự án đầu tư có chất lượng.
Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong mùa hè năm nay - bao gồm nắng nóng gay gắt và mưa lớn dẫn đến lũ lụt - rất có thể đã gây gián đoạn đến hoạt động sản xuất của Trung Quốc.
Các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát dự kiến tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã sụt giảm trong tháng 8, nối dài chuỗi sa sút sang tháng thứ 4. Nếu dự đoán trên là đúng thì đây sẽ là giai đoạn suy yếu dài nhất của sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong gần ba năm.