|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ lệ gian lận trên kênh TMĐT chiếm 60% trong ba năm tới

15:19 | 06/03/2021
Chia sẻ
Đi cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, các hành vi gian lận, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm trở thành vấn đề nhức nhối trong môi trường mua bán online.
Tỷ lệ gian lận trên kênh TMĐT chiếm tới 60% trong vòng 3 năm tới - Ảnh 1.

Tỷ lệ gian lận trên kênh TMĐT chiếm tới 60% trong ba năm tới. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, dự báo trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại điện tử (TMĐT) sẽ chiếm đến 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Dự báo trên được đưa trong bối cảnh mua bán online ngày càng trở nên phổ biến, kéo theo đó, một số đối tượng đã lợi dụng nền tảng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, thậm chí cả hàng cấm.

Tình trạng này phổ biến đến mức, hiện nay, các giao dịch thương mại không chỉ thực hiện trên các sàn thương mại điện tử thông thường mà còn trên các mạng xã hội...

Trao đổi với Báo Chính phủ, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết thêm do ảnh hưởng của COVID-19 nên trong năm 2020, các dịch vụ đi kèm TMĐT rất phát triển, các kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu, thậm chí ở sát cửa khẩu biên giới. 

Các dịch vụ hậu cần như chuyển phát, thanh toán online càng ngày càng hiện đại, nhanh chóng khiến cho công tác chống gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt hàng giả, trên môi trường internet càng khó khăn.

Tuy vậy, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã triệt phá, xử lý nhiều vụ việc buôn bán trái quy định trên môi trường TMĐT.

Đơn cử như vụ tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu (TP Lào Cai) vào tháng 7/2020; hay như việc tấn công và xử lý nhiều vụ liên quan đến bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng xã hội ở Bình Dương, TP HCM, Hòa Bình, Hà Nội...

Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2020, TMĐT Việt Nam đạt mức tăng trưởng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việt Nam hiện đang là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT hai con số.

Với thế mạnh là dân số trẻ, lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone nhiều, thị trường TMĐT Việt Nam hiện đang có 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ USD trong năm 2019 theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số.

Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. 

Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

Với sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy cần có một bộ khung pháp lý hoàn thiện hơn để điều chỉnh các hành vi buôn bán kinh doanh online qua các kênh. 

Hiện tại, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiến nghị Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52 năm 2013 về TMĐT, đặt ra những cách thức quản lý mới.

Cụ thể, coi và đối xử bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống. Trên môi trường thương mại truyền thống, quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì sẽ quy định như vậy trên môi trường internet.

Các mô hình thương mại điện tử sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch. Bên cạnh đó, các dịch vụ liên quan như thanh toán điện tử, ví điện tử, dịch vụ vận chuyển... cần thiết phải đưa vào Nghị định thay thế.

Tường Vy