|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến giao hàng đang âm thầm diễn ra của các 'ông lớn' TMĐT Đông Nam Á

09:30 | 21/02/2021
Chia sẻ
Với các công ty TMĐT, giao hàng mà điểm kết nối quan trọng với khách hàng. Câu hỏi đặt ra là hoạt động logistics nói chung hay giao hàng nói riêng nên tự làm hay thuê ngoài?

Yesota Kreshna Pillai thường làm việc từ 7 giờ sáng mỗi ngày để hoàn thành giao khoảng 120 kiện hàng. Con số đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Người phụ nữ 31 tuổi là một trong những tài xế giao hàng tại Klang Valley, Malaysia. Dù vậy, nơi làm việc của cô không phải là các công ty logistics như Ninja Van, DHL, hay Pos Malaysia; thay vào đó, bà làm việc cho Lazada.

Trong khi một số công ty TMĐT lớn vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các đối tác giao hàng bên thứ 3 (3PL), những công ty ở Đông Nam Á như Lazada hay Shopee đang đẩy mạnh hoạt động logistics do chính mình triển khai.

Cuộc chiến đang âm thầm diễn ra của các 'ông lớn' TMĐT Đông Nam Á - Ảnh 1.

Một trong những trung tâm xử lý hàng hoá của Lazada tại Việt Nam. (Ảnh: Lazada)

Hoạt động logistics tự triển khai (in-house logistics) tăng trưởng quy mô ở mức 35% và 32% lần lượt ở Indonesia và Việt Nam hồi năm ngoái, theo báo cáo của RedSeer.

Trong khi hoạt động thuê ngoài vẫn chiếm chủ yếu trên thị trường, hoạt động logistics tự triển khai cũng mang lại nhiều lợi ích. Dù vậy, việc thành lập mảng logistics của riêng mình và hoàn toàn không phụ thuộc vào hoạt động thuê ngoài logistics là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Tự triển khai hoạt động logistics

Tự triển khai hoạt động logistics không phải một điểm mới đối với các công ty TMĐT. Amazon nghiên cứu các tuyến giao hàng của đối tác và đánh giá nhiều yếu tố như mật độ dân số trước khi quyết định sử dụng đội ngũ giao hàng của riêng mình hay sử dụng các công ty giao nhận truyền thống như UPS ở Mỹ.

Dù vậy, ở Đông Nam Á, In-house logistics mới chỉ được quan tâm trong khoảng vài năm trở lại đây. Ông Roshan Raj Behera, một đối tác của RedSeer, cho biết RedSeer đã quan sát xu hướng kể từ năm 2017.

"Khi nhìn vào các quốc gia như Việt Nam hay Indonesia, nơi logistics là một vấn đề lớn, triển khai In-house logistics có thể trở thành một yếu tố khác biệt lớn", ông nhận định.

Bên cạnh Lazada, Shopee cũng đang khai thác hoạt động In-house logistics. Dù vậy, hãng mới chỉ tăng quy mô của Shopee Xpress hồi năm ngoái, TechInAsia dẫn nguồn tin thân cận với hoạt động vận hành của Shopee.

Về phần mình, Lazada cho biết đã "đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics ngay từ đầu". Lazada và Shopee thành lập vào năm 2012 và 2015.

Hiện tại, quy mô các trung tâm xử lý hàng hoá của Lazada đã lên tới 300.000 mét vuông tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Sàn TMĐT do Alibaba hậu thuẫn cũng có 15 trung tâm phân loại hàng hoá và gần 400 cụm nhận và giao hàng chặng cuối.

"Hơn 85% kiện hàng chuyển tới tay người dùng được phân loại trong các mạng lưới riêng của Lazada", một người phát ngôn của Lazada nói với TechInAsia. Người này cũng khẳng định rằng việc có khả năng tự triển khai logistics của Lazada đã trở thành một lợi thế cạnh tranh của Lazada so với các đối thủ.

Theo một báo cáo của Parcel Perform và iPrice Group, thời gian giao hàng ở Malaysia trong thời gian phong toả vì COVID-19 đã tăng tới 119%.

Cuộc chiến đang âm thầm diễn ra của các 'ông lớn' TMĐT Đông Nam Á - Ảnh 2.

Shopee đang nỗ lực giảm thời gian giao hàng ở Malaysia. (Ảnh: Shopee)

Đáp lại, mới đây, Shopee nói đang nỗ lực giảm thời gian giao hàng bằng cách hợp tác với Parcelhub và MBE. Sau đó, các điểm nhận trả hàng của Shopee có thể lên tới con số trên 300 ở Malaysia. Trong thời gian tới, Shopee đồng thời triển khai dịch vụ giao hàng của Shopee Xpress ngay vào ngày hôm sau đối với các mặt hàng trên Shopee Mart.

"Thời gian giao hàng từng kéo dài 10 ngày hoặc thậm chí dài hơn ở miền Đông Malaysia giảm xuống chỉ còn 4 ngày", ông Ian Ho, giám đốc khu vực Shopee, nói. Shopee đạt điều này thông qua hợp tác với các bên thứ 3 đồng thời tăng quy mô năng lực logistics của riêng mình, ông chia sẻ.

In-house logistics giúp các công ty TMĐT quản trị trải nghiệm khách hàng. Dù vậy, hoạt động In-house logistics cũng cần phải nỗ lực thêm rất nhiều để có lòng tin của cả người bán và người mua.

Người bán thường lựa chọn các đối tác logistics có khả năng giao hàng nhanh hơn, đặc biệt là với ngành hàng tươi, sống hoặc giá trị cao, ông Edwin Mailoa, Trợ lý phó Chủ tịch logistics của Tokopedia, nói.

Hiện tại, 2/3 các đơn hàng của Tokopedia giao trong ngày hoặc một ngày sau khi người bán xác nhận đơn hàng, ông Mailoa cho biết thêm.

Dù vậy, không phải nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 nào cũng có khả năng giao hàng cùng ngày.

Lợi thế nổi bật của In-house logistics là khả năng tạo ra doanh thu trong dài hạn, một chuyên gia trong ngành nhận định.

Bên cạnh đó, In-house logistics còn giảm tỷ lệ các vụ việc liên quan đến lừa đảo do các công ty TMĐT kiểm soát tốt hơn đội ngũ nhân sự. Điều này đặc biệt quan trọng ở các thị trường như Malaysia, nơi tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến nhất.

Vì sao thuê ngoài logistics vẫn quan trọng?

Dù In-house logistics mang lại nhiều lợi ích, 3PL vẫn là một hình thức không thể thay thế.

Ngay cả khi đã có năng lực tự triển khai tốt, Lazada vẫn đang hợp tác với hơn 50 3PL. Bên cạnh hợp tác sâu với AnterAja, Tokopedia "duy trì tính trung lập trong hợp tác với tất cả các công ty logistics", theo bà Mailoa nói. 

Ngoài AnterAja, Tokopedia hiện đang làm việc với 12 công ty logistics khác nhau, bao gồm Gojek, Grab, IndoPaket, J&T, JNE, Lion Parcel, Ninja Xpress (Ninja Van), và SiCepat.

Theo TechInAsia, đặc thù của khu vực Đông Nam Á khiến hoạt động logistics ở đây phức tạp hơn thông thường. Địa hình phức tạp (ví dụ như Indonesia có hơn 17.000 đảo), các thành phố đông đúc và quy hoạch chưa tốt làm việc giao đơn hàng trở thành một việc không đơn giản. Đây là lúc chuyên môn của các 3PL phát huy tác dụng.

Thuê ngoài hoạt động logistics giúp các công ty TMĐT "tập trung vào các mảng kinh doanh khác để thúc đẩy tăng trưởng", ông Paul Loo, giám đốc vận hành Lalamove đưa ra nhận định.

Phát triển và duy trì một đội xe riêng có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường là một nhiệm vụ lớn. Theo ông Loo, chi phí của nhiệm vụ không nhỏ khi bao gồm việc mua phương tiện, thuê lái xe có kinh nghiệm, bảo trì phương tiện và phát triển công nghệ quản lý.

Bên cạnh đó, ông Loo nói rằng giao hàng chặng cuối có thể là "phần đắt đỏ nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng". Với một số công ty TMĐT, đầu tư vào mảng logistics vẫn không được chú trọng do muốn duy trì mô hình kinh doanh không yêu cầu quá nhiều tài sản cố định.

Bổ trợ lẫn nhau

Khả năng tổng hợp đơn hàng từ nhiều khách hàng của 3PL là một lợi thế bởi nó giúp tối ưu hệ thống phương tiện, tuyến đường và lưu lượng hàng giao tốt hơn. Trong khi đó, In-house logistics chỉ phục vụ cho một công ty TMĐT duy nhất.

"Với các công ty 3PL quy mô lớn, các chỉ số về chi phí sẽ tốt hơn các đơn vị In-house logistics", ông Behera của RedSeer nhận định.

Dù vậy, theo dự đoán của TechInAsia, các công ty TMĐT sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà kho và giao hàng chặng cuối của riêng mình trong khi đó đảm bảo duy trì mỗi quan hệ với các 3PL.

Nguồn tin thân cận cho biết với trường hợp của Shopee, năng lực In-house logistics mà công ty xây dựng sẽ nhằm bổ trợ cho 3PL chứ không phải một sự thay thế.

Theo Statista, doanh thu thị trường TMĐT ở Đông Nam Á dự phóng có thể đạt mức 67,6 triệu USD trong năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10,3%, dung lượng thị trường có thể đạt mốc 100 triệu USD vào năm 2025.

Thị trường dồi dào đồng nghĩa với tiềm năng và cơ hội phát triển cho ngành logistic, dù là In-house logistics hay 3PL.

Thái Sơn