|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất bởi gian lận thương mại điện tử

07:28 | 05/10/2019
Chia sẻ
Đông Nam Á có thể mất 260 triệu USD bởi gian lận trực tuyến trong năm nay và Thái Lan, Việt Nam, Indonesia là 3 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Đông Nam Á đang trên đà vượt qua dự đoán của Google về việc đạt giá trị 200 tỉ USD vào năm 2025. Các doanh nghiệp TMĐT như Lazada, Shopee, Tokopedia đang tăng cường nỗ lực trong khu vực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Mức tăng thu nhập khả dụng, tỉ lệ người truy cập Internet trên thiết bị di động cao, tỉ lệ người tiêu dùng trẻ lớn là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của TMĐT ở Đông Nam Á, theo The Asean Post.

TMDT

Tổn thất vì gian lận quảng cáo ở Đông Nam Á chiếm khoảng 40% tổn thất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tương đương 650 triệu USD).

Theo một báo cáo của tổ chức We Are Social Report, vào năm 2018, tổng số người sử dụng Internet trên thiết bị di động ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam là 391 triệu. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của TMĐT cũng mang tới một vấn đề mới: Gian lận trực tuyến.

Gian lận trực tuyến gây tổn thất khoảng 57,8 tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2017, và tình trạng ấy đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Nam Á. Một báo cáo của AppsFlyer - mang tên "Fraud Rising: How Bots and Malware Are Compromising APAC" - cho thấy các sàn TMĐT chịu tác động lớn nhất từ gian lận quảng cáo. 

Báo cáo cho thấy, tổn thất ở Đông Nam Á chiếm khoảng 40% tổn thất từ gian lận quảng cáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (tương đương 650 triệu USD).

Đông Nam Á có thể mất 260 triệu USD bởi gian lận trực tuyến và Thái Lan, Việt Nam, Indonesia là 3 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất. Khu vực trở thành mục tiêu hấp dẫn của gian lận trực tuyến do lượng người sử dụng Inernet lớn, mức độ ý thức về gian lận thấp và sự phổ biến hơn của thị trường Trả phí theo lượt cài đặt (CPI) so với thị trường Trả phí theo hành động (CPA).

CPI không yêu cầu "một hành động" như CPA nên bot có thể sao chép hoặc xâm nhập, mang tới động lực lớn đối với bọn gian lận trên mỗi lượt cài đặt.

AppsFlyer chỉ ra hàng loạt lí do khiến gian lận trực tuyến tăng mạnh ở Đông Nam Á, bao gồm sự khan hiếm tài năng phát triển ứng dụng (app), tình trạng gian lận phổ biến trong các mạng lưới tiếp thị, xu hướng chi tiêu tăng dần cho quảng cáo trực tuyến. Sự lên ngôi của các kênh thanh toán điện tử cũng biến khu vực thành mục tiêu hấp dẫn của bọn gian lận.

Một báo cáo của công ty dịch vụ thông tin Experian năm 2018 cho thấy mối quan hệ qua lại giữa sự tiện lợi và gian lận. Sự gia tăng của những tương tác tiện lợi và nền tảng giao dịch, với mục tiêu mang tới trải nghiệm tốt hơn và xuyên suốt cho khách hàng, đã tạo cơ hội cho những hoạt động trực tuyến bất chính. Chẳng hạn, thị trường TMĐT đang phát triển nhanh ở Thái Lan đang chứng kiến sự gia tăng số vụ lừa đảo.

"Tỉ lệ vụ lừa đảo cũng khá cao, với 17% người dân Thái Lan chứng kiến gian lận trong TMĐT và dịch vụ", Dev Dhiman, giám đốc phụ trách Đông Nam Á và các thị trường mới nổi của Experina, bình luận.

Nhạc Dương