|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lazada khẳng định họ vẫn là nền tảng thương mại điện tử dẫn đầu Đông Nam Á, chứ không phải Shopee

06:25 | 13/09/2019
Chia sẻ
Tổng giám đốc Lazada khẳng định nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba vẫn giữ vị trí số 1 ở Đông Nam Á, chứ không phải Shopee như một số nghiên cứu khẳng định.

Hôm 12/9, ông Pierre Poignant, Tổng giám đốc Lazada, tuyên bố nền tảng thương mại điện tử của công ty vẫn đứng đầu Đông Nam Á với hơn 50 triệu người dùng thường xuyên hàng năm, trái ngược với nội dung một số báo cáo trước đó.

"Chúng tôi đang tăng trưởng với tốc độ 3 con số (tức là trên 100%) trong 3 quý vừa qua - một dấu hiệu cho thấy Lazada là số một. Chúng tôi rất vui với thành tựu mà công ty đã đạt", Tech In Asia dẫn lời ông Pierre Poignant.

Lazada 1

Các báo cáo trái ngược với tuyên bố của Tổng giám đốc Lazada

Trước đó, một số báo cáo khẳng định Shopee - thuộc quyền sở hữu của SEA - là nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất Đông Nam Á.

Ví dụ, tổ chức iPrice gần đây xếp Shopee vào vị trí thứ nhất ở Đông Nam Á trong quý 2 năm nay về số lượng người dùng tích cực hàng tháng, số lượt tải, số lượt truy cập trang. 

Mặc dù vậy, Lazada lại dẫn đầu về số lượng người dùng tích cực ở 4 thị trường thương mại điện tử ở khu vực - bao gồm Malaysia, Singapore, Thailand và Philippines. Tokopedia xếp thứ nhất ở Indonesia, còn Shopee chiếm ngôi đầu ở Việt Nam.

Đông Nam Á là khu vực có mức độ cạnh tranh quyết liệt vì tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang tăng của khu vực - có quy mô khoảng 600 triệu người - vẫn chưa thực sự cảm thấy quen thuộc với thương mại điện tử. 

Ngoài ra, Đông Nam Á cũng là khu vực đa dạng về ngôn ngữ, tập quán và thói quen mua hàng. Một mô hình hiệu quả ở một thị trường có thể không phù hợp với thị trường khác.

Vấn đề từ các vị giám đốc Trung Quốc 

Alibaba đầu tư 1 tỉ USD vào Lazada trong năm 2016. Trong năm tiếp theo, Alibaba tiếp tục đầu tư thêm 1 tỉ USD, nâng cổ phần của tập đoàn trong Lazada lên 83%. Năm ngoái, Alibaba rót thêm 2 tỉ USD để tăng tốc độ mở rộng của Lazada.

Mới đây, tờ Wall Street Journal đưa tin chính sách và cách hành xử của những vị giám đốc Trung Quốc điều hành Lazada tại các quốc gia Đông Nam Á đang gây nên nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, những thay đổi về nhân sự ở thị trường Việt Nam đang gây khó khăn cho Lazada. Năm ngoái, Max Zhang, Phó tổng giám đốc của Alibaba, nhận nhiệm vụ điều hành Lazada Vietnam.

WSJ dẫn lời một số nguồn tin nội bộ cho biết, trước đó ông Max Zhang chưa từng sống ở nước ngoài và chủ yếu trao đổi với những đồng nghiệp đồng hương bằng tiếng Trung.

Các nguồn tin mô tả ông Zhang hiếm khi giải thích các quyết định của bản thân và yêu cầu cấp dưới tuân thủ mệnh lệnh mà không thắc mắc. Ông hủy các chương trinh vận chuyển miễn phí, khiến nhiều doanh nghiệp và khách hàng khó chịu, bỏ sang các nền tảng khác.

Đối mặt với phản ứng của mọi người, ông Zhang và các phó tướng luôn lôi kinh nghiệm thành công ở Tmall và Taobao ra để dẹp bỏ mọi chỉ trích. 

"Câu trả lời chúng tôi nhận luôn là 'Ở Tmall/Taobao, chúng tôi làm thế này'. Hay 'Ở Trung Quốc chúng tôi làm thế này'. Nhưng đây không phải là Tmall/Taobao hay Trung Quốc", một số nhà quản lý Việt Nam viết như vậy trong thư mà họ gửi cho giám đốc Alibaba phụ trách Lazada Đông Nam Á.

Đến tháng 6/2019, ông Zhang trở về Trung Quốc. Giám đốc của Lazada Thái Lan nhận nhiệm vụ phụ trách thị trường Việt Nam.

"Bài báo không có thông tin đáng tin cậy. Tác giả dựa vào quan điểm của một số cá nhân và những tin đồn không có cơ sở để đưa ra những kết luận có vẻ đao to búa lớn về những nỗ lực toàn cầu của Alibaba và Lazada", ông Poignant nói về bài báo.

Vị tổng giám đốc khẳng định Lazada hưởng lợi thế lớn từ kinh nghiệm của Alibaba trong thương mại điện tử, và khoảng 1.200 nhân viên của Lazada đã trải qua đào tạo ở tập đoàn Alibaba.

Luân Thường