Hé lộ mánh khóe doanh nghiệp nhập khẩu điều mượn đường Campuchia trốn thuế
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điều trong tháng 8 đạt 230 nghìn tấn, giá trị hơn 292 triệu USD, giảm 30% về lượng và giảm 35% về giá trị so với tháng 7.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhập khẩu điều đạt 2,2 triệu tấn, tương đương giá trị 3,3 tỷ USD, tăng 2,3 lần về lượng và tăng 2,7 lần về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, 8 tháng đầu năm, nhập khẩu điều từ Campuchia đạt gần 1,1 triệu tấn, tương đương 1,8 tỷ USD, tăng hơn 5 lần về lượng, tăng 7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 48% tổng lượng nhập khẩu điều của cả nước.
Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu điều chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Campuchia sang Việt Nam.
Trước thực trạng nhập khẩu điều tăng bất thường, đặc biệt từ thị trường Campuchia, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm tại tỉnh Bình Phước, "thủ phủ" về trồng, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam.
Trao đổi với Tạp chí Hải quan, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết đến đầu tháng 9, Cục đã kiểm tra 18/20 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, 2 doanh nghiệp chưa kiểm tra do lãnh đạo đang cách ly tại TP HCM.
Cục đưa ra kết luận có 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam.Theo yêu cầu quy tắc xuất xứ thuần túy đối với điều nhân xuất khẩu của Việt Nam, tức là 100% nguồn điều thô nguyên liệu có xuất xứ từ thị trường trong nước.
Hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ ASEAN có thuế nhập khẩu 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Đây là một cơ sở để có thể đặt nghi vấn các doanh nghiệp “mượn” đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên, khi kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện doanh nghiệp cung cấp hồ sơ giấy tờ cho cơ quan chức năng cấp C/O không đúng với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Cơ quan Hải quan sẽ xem xét xử lý 2 công ty về hành vi vi phạm xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh.
Do không có điều kiện kiểm tra, xác minh làm rõ nghi vấn nên Cục Kiểm tra sau thông quan đã chuyển thông tin về 4 doanh nghiệp này (theo nguồn tin tố giác tội phạm) đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa.
Đáng chú ý, Cục Kiểm tra sau thông quan đang trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố đối với 1 doanh nghiệp.
Cục đã bàn giao một số cục hải quan địa phương tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp khác.
Đồng thời, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các các cục hải quan địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Cục dự kiến tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với hạt điều tại tỉnh Bình Phước và một số thủ phủ hạt điều khác.