|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá thế giới: USD chạm đỉnh 8 tháng rưỡi so với yen

07:59 | 01/12/2016
Chia sẻ
Trong phiên 30/11, USD dần lấy lại đà tăng với chỉ số ICE Dollar tăng gần 1% trước đồn đoán Mỹ tăng lãi suất và thành công của Hiệp hội các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong đàm phán cắt giảm sản lượng dầu thô.

Theo số liệu của Reuters, chỉ số ICE Dollar - cho biết độ mạnh yếu của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác - chốt phiên 30/11 tăng 0,8% lên 101,69 điểm.

Trong đó, USD tăng mạnh khoảng 1,7% so với yen, lên giao dịch ở 114,43 yen đổi 1 USD. Đây là mức tỷ giá USD/JPY cao nhất kể từ đầu tháng 3/2016.

Với phiên tăng này, USD đang hướng tới tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/1995 so với yen,với mức tăng khoảng 9%.

Euro cũng giảm khoảng 0,8% so với USD xuống thấp nhất phiên và giao dịch ở 1,0554 USD đổi 1 euro, sau khi OPEC tuyên bố đàm phán thành công thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô.

Ngoài ra, USD cũng lên cao nhất gần 10 tháng so với đồng franc của Thụy Sĩ. Tỷ giá USD/CHF đến cuối phiên giao dịch ở 1,0204 franc.

Trong phiên 30/11, sự thành công của OPEC trong việc đàm phán cắt giảm sản lượng dầu thô là một trong những yếu tố giúp USD phục hồi.

Theo đó, thị trường đánh giá lạm phát tại Mỹ có thể tăng nhanh hơn nhờ triển vọng tăng giá của dầu thô sau thỏa thuận của OPEC, từ đó kéo theo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Như diễn biến thông thường, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào USD cao hơn các đồng tiền khác, như euro hay yen.

Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ liên tục phát đi những tín hiệu tích cực, mở được cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12 và trong cả năm tới.

Trong đó, số liệu đáng chú ý nhất là báo cáo việc làm trong lĩnh vực tư nhân của ADP. ADP cho biết, lĩnh vực tư nhân đã tuyển dụng thêm 216.000 nhân viên trong tháng 11, cao hơn kỳ vọng trước đó của giới chuyên gia.

Tới đây vào ngày 13 - 14/12, Fed sẽ tổ chức phiên họp chính sách cuối cùng của năm 2016 nhằm đánh giá tình hình kinh tế để cân nhắc tăng lãi suất.

Thiên An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).