Tương lai u ám của WTO
Trang nationalpost.com (Canada) mới đây đăng bài viết của tác giả Derek H. Burney, nguyên Đại sứ Canada tại Mỹ, đề cập tới tương lai u ám của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo tác giả bài viết, hệ thống thương mại thế giới hiện diện trong WTO đang gặp vấn đề lớn, vì thiếu một người dẫn dắt “đủ tầm”, trong khi mâu thuẫn với hai thành viên chủ chốt Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia thương mại hàng đầu thế giới – ngày càng gia tăng.
Khái niệm về tự do hóa thương mại đa phương và hệ thống này từng mang lại sự ổn định, trật tự và thịnh vượng cho nền kinh tế toàn cầu trong hơn 75 năm qua đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc kinh tế trên nhiều mặt. Hiện không có một ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào “đánh tín hiệu” muốn khôi phục lại vị thế trước kia của WTO. Do vậy, triển vọng phục hồi của WTO là rất ảm đạm.
Mỹ đã vô hiệu hóa khả năng thực thi luật thương mại của WTO qua việc ngăn chặn bổ nhiệm thẩm phán vào Cơ quan Phúc thẩm của WTO - một nhóm gồm 7 thẩm phán quốc tế, chuyên thụ lý các kháng cáo về phán quyết giải quyết tranh chấp thương mại. Cơ quan Phúc thẩm của WTO đã mất khả năng hoạt động kể từ năm 2019. Điều cần quan tâm là sự xói mòn cơ chế giải quyết tranh chấp này là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thương mại thế giới.
Kể từ khi Vòng đàm phán Doha sụp đổ cách đây hơn 15 năm, chủ yếu là do bế tắc giữa Mỹ và Trung Quốc, các cuộc đàm phán thương mại đa phương đã bị đình trệ.
Mùa Xuân năm ngoái, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã công khai chỉ trích các quốc gia vì những gì mà bà nói là lập trường đàm phán "cùng thất bại", gây tổn hại cho thể chế này thông qua việc ngăn cản sự đồng thuận.
Nếu Mỹ không trở lại dẫn dắt hệ thống thương mại thế giới, bằng việc nêu gương và gỡ bỏ lệnh cấm bổ nhiệm thẩm phán vào Cơ quan Phúc thẩm, WTO sẽ vẫn tiếp tục phải chịu cảnh hoạt động kém hiệu quả. Các vấn đề như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI) và an ninh mạng cần được quan tâm và là vấn đề cơ bản đối với các quan ngại về an ninh kinh tế.
"Nạn nhân" của tình trạng tê liệt hiện nay của WTO chính là cuộc tranh chấp gỗ xẻ mềm không hồi kết giữa Canada với Mỹ. Ngay cả khi có đạt được thắng lợi trong các quyết định về giải quyết tranh chấp tại WTO, thì Canada vẫn không thể tránh khỏi thua thiệt do thiếu cơ chế thực thi.
Các nhà sản xuất Canada đã trả hơn 9 tỷ USD tiền thuế kể từ khi thỏa thuận thương mại được xử lý lần gần đây nhất kết thúc vào năm 2017. Mỹ cáo buộc Canada trợ cấp cho ngành công nghiệp của mình và các công ty Canada "bán phá giá" sản phẩm, với giá thấp hơn giá sản xuất.
Tờ The Globe and Mail của Canada từng bình luận rằng Bộ Thương mại Mỹ đã liên tục sử dụng mọi lý do để hạn chế lợi thế cạnh tranh của Canada, "bất kể điều đó có gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ hay không, và bỏ qua các cam kết pháp lý theo CUSMA (Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico), hoặc phớt lờ các phán quyết quốc tế có lợi cho Canada".
Canada phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, nơi mà khả năng tiếp cận có thể trở nên bấp bênh hơn, bất kể ứng cử viên nào sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/11. Ông Donald Trump gần đây đã chỉ trích Canada là một trong số nhiều quốc gia "làm hại" Mỹ về thương mại. Bà Kamala Harris là một trong số 10 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại CUSMA, cho rằng nó "tệ hơn NAFTA".
Theo bài viết trên, Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện Canada-EU (CETA) đã mang lại lợi ích cho người châu Âu chứ không phải cho Canada. Xuất khẩu của Canada đã giảm trên toàn cầu trong năm 2023. Nếu không nhanh chóng thoát khỏi tình thế này, Canada sẽ không thể khai thác được nhu cầu toàn cầu về tài nguyên năng lượng và khoáng sản quan trọng mà nước này đang sở hữu rất nhiều.
Với tâm lý bảo hộ đang thịnh hành trong giới chính trị và Chính phủ Mỹ, Canada phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong quá trình đàm phán lại CUSMA sắp tới. Canada nên kiên quyết thúc đẩy một cách tiếp cận hợp tác chung với Mỹ về năng lượng, khoáng sản quan trọng và các tài nguyên thiên nhiên khác của Bắc Mỹ như uranium để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Nga.
Ngoài việc cứu vãn CUSMA một cách tốt nhất có thể, Canada nên tập trung vào việc thúc đẩy thêm các nước gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngoài ra, để tăng trưởng tốt, các nhà xuất khẩu Canada cũng nên tận dụng tốt hơn quyền tiếp cận có sẵn từ hiệp định này, đặc biệt là với Nhật Bản và cả hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc.