|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tương lai mong manh của 'Amazon Hàn Quốc'

16:15 | 28/07/2020
Chia sẻ
Coupang - công ty thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc - trở thành trung tâm chú ý của các nhà quan sát thị trường với mô hình kinh doanh bất ổn, ​​doanh số tăng trưởng vẫn báo lỗ nhiều năm liên tục.

Áp dụng nhiều chiến lược tiếp thị chủ động cùng dịch vụ giao hàng độc đáo, Coupang chứng kiến doanh thu và thị phần mở rộng mạnh mẽ.

Song, bất chấp những tín hiệu lạc quan, công ty vẫn chứng kiến khoản lỗ gia tăng mạnh, đặt câu hỏi về tính bền vững trong mô hình kinh doanh của "gã khổng lồ" thương mại điện tử.

Số phận bất định của 'Amazon Hàn Quốc'  - Ảnh 1.

Tương lai "Amazon xứ Hàn" mông lung sau nhiều năm thua lỗ. Ảnh: Investor Place.

Nghi vấn về khả năng tồn tại 

Lo ngại xung quanh khoản lỗ tăng chóng mặt của Coupang đang thu hút nhiều dư luận, có khả năng cản trở tham vọng gây chú ý từ các nhà đầu tư toàn cầu của của công ty. Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc hiện ấp ủ kế hoạch ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán New York (Nasdaq).

Từ góc nhìn kinh doanh, Coupang là một trường hợp thú vị với chỉ số tài chính èo uột, tương phản với những kì vọng của "ông lớn" đầu tư SoftBank khi quyết định rót tiền.

Năm 2010, Kim Bom thành lập Coupang, sớm gây tiếng vang lớn với dịch vụ giao hàng đảm bảo trong vòng 24 tiếng mang tên Rocket Delivery. Sự xuất hiện đột ngột của Coupang lúc bấy giờ đã giáng đòn mạnh vào các "đại gia" bán lẻ Hàn Quốc như Lotte hay Shinsegae.

Sau đó, Coupang nhanh chóng thu hút 3 tỉ USD vốn từ quĩ đầu tư quyền lực nhất thế giới - Vision Fund của SoftBank, trong năm 2015 và 2018.

Ban đầu, Coupang để lại rất nhiều ấn tượng. Song, từ khi quyết định tập trung theo đuổi tăng trưởng bên ngoài thay vì cải thiện lợi nhuận, họ đẩy mạnh chi tiêu cho tiếp thị và quảng cáo, làm bảng cân đối tổng thể ngày càng tệ hơn.

Trước tình trạng đáng lo ngại, giới đầu tư cho rằng, Coupang cần phải có chiến lược đối phó các chi phí bổ sung.

Số phận bất định của 'Amazon Hàn Quốc'  - Ảnh 2.

Tham vọng "lên sàn" giao dịch Mỹ của Coupang tạm lùi bước do tình hình hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: The Korea Times.

Kết quả hoạt động ảm đạm

Năm 2019, Coupang báo cáo khoản lỗ hoạt động 1 nghìn tỉ won với mức lỗ lũy kế 3,72 nghìn tỉ won kể từ năm 2014. Điều đáng ngờ ở đây là doanh số công ty nhảy vọt 6,3 lần, lên 7,15 nghìn tỉ won, trong giai đoạn năm 2015-2019.

Sự lan rộng nhanh chóng của đại dịch COVID-19 đang tạo thêm động lực cho sự phát triển của thương mại điện tử và Coupang đã tích cực thúc đẩy làn sóng này bằng cách

Tuy nhiên, không bỏ qua cơ hội nhờ đại dịch COVID-19 giúp ngành thương mại điện tử toàn câu tăng trưởng, Coupang hiện đang rất tích cực tận dụng, xây dựng nhiều trung tâm hậu cần, thuê thêm nhân viên giao hàng.

Dù trì hoãn đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq, các động thái gần đây của Coupang cho thấy, "đại gia" bán lẻ trực tuyến vẫn chưa từ bỏ tham vọng ra mắt thị trường Mỹ.

Gần đây, Coupang đã đưa cựu thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - ông Kevin Warsh, và Giám đốc Tài chính International Gaming Technology - ông Alberto Fornaro, vào ban giám đốc. Động thái này cho thấy Coupang vẫn quan tâm vào việc đặt nền móng cần thiết cho  IPO.

Số phận bất định của 'Amazon Hàn Quốc'  - Ảnh 3.

Gây ấn tượng lớn những năm đầu ra mất, Coupang đang mất dần sức hút. Giới đầu tư cho rằng công ty cần phải vận hành có chiến lược khi chi phí độn thêm. Ảnh: Business Wire.

Lấy doanh thu bù chi phí 

Tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm trực tuyến, Coupang đã tăng số trung tâm phân phối tại Hàn Quốc từ 26 năm 2014 lên 168 cơ sở.

Số lượng thành viên trả phí của công ty cũng tăng mạnh lên 34 triệu năm 2019, trong khi năm 2014 chỉ có 2,59 triệu người.

Từ đó, công ty nhận ra con đường kinh doanh lấy "lợi ích kinh tế theo qui mô" làm kim chỉ nam, thông qua việc mua trực tiếp sản phẩm với số lượng lớn và mức giá thấp từ các nhà cung cấp.

Năm ngoái, Coupang cắt giảm hệ số giá chi phí trên tổng doanh thu bán hàng xuống 12 điểm phần trăm so với năm 2018.

Động thái này diễn ra sau khi chi phí lao động gia tăng hơn 400 tỉ won giai đoạn 2018-2019, nhưng vì doanh thu nhảy vọt, tỉ lệ chi phí lao động trên doanh thu giảm.

Các vụ bê bối chưa chấm dứt

Tuy nhiên, để cải thiện kĩ năng quản lí rủi ro, Coupang phải giải quyết hai vấn đề quan trọng tồn đọng.

Vấn đề thứ nhất xử lí những cáo buộc sửa đổi giá bất hợp pháp với các nhà thầu phụ. Nhiều người cáo buộc Coupang ép các nhà cung cấp bán sản phẩm ở mức giá thấp nhất trên nền tảng thương mại điện tử thông qua sự can thiệp của Nghị sĩ Lee Tae-kyu thuộc Đảng đối lập Bareunmirae.

Ngoài ra, Woowa Brothers, WeMakeprice và LG Household & Health Care tố cáo Coupang vi phạm Đạo luật thương mại công bằng, lập luận Coupang lạm dụng quyền lực chống họ trong mảng thương mại trực tuyến.

Số phận bất định của 'Amazon Hàn Quốc'  - Ảnh 4.

Không chỉ dính phải nghi án lạm dụng quyền hành, ép vế đối thủ, Coupang còn vướng vào các cáo buộc bóc lột nhân viên. (Ảnh: Reuters).

Vấn đề thứ hai là mâu thuẫn về lao động, Coupang thông báo đưa ra nhiều nỗ lực nhằm tăng số nhân viên toàn thời gian, đặc biệt là nhân viên giao hàng. Thực tế, nhân lực thuộc các phân khúc hậu cầu tại công ty thường là nhân viên tạm thời. Riêng trung tâm phân phối hàng của Coupang tại Bucheon, tỉnh Gyeonggi chỉ có 3% số nhân sự là nhân viên vô thời hạn.

Dữ liệu của công đoàn Coupang cho thấy chỉ 25% nhân viên làm việc toàn thời gian, còn lại thuộc nhóm nhân viên thời vụ hoặc nhân viên bán thời gian.

Hơn nữa, vào tháng 3, sàn thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc hứng búa rìu dư luận sau khi một công nhân ở Ansan, tỉnh Gyeonggi, qua đời do làm việc quá sức. Công đoàn công ty đã liên tục kêu gọi tuyển thêm người giao hàng, đảm bảo môi trường làm việc an toàn hơn cho người lao động.

Điêu Quân/ Theo The Korean Times