|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gia tộc Hàn Quốc sở hữu Paris Baguette thua lỗ hàng trăm triệu USD

22:09 | 09/07/2020
Chia sẻ
Dịch viêm phổi cấp COVID-19 khiến nhiều công ty, tập đoàn lớn lao đao. Khối tài sản của gia tộc Hàn Quốc vận hành chuỗi cửa hàng bánh ngọt Paris Baguette hiện đã giảm 770 triệu USD.
Gia tộc Hàn Quốc đứng sau Paris Baguette thua lỗ hàng trăm triệu USD - Ảnh 1.

Cửa hàng Paris Baguette tại Manhattan. Ảnh: Victor J. Blue/Bloomberg

Những cửa hàng của Paris Baguette nằm rải rác trên khắp Manhattan, Singapore và Thượng Hải khiến nhiều người liên tưởng đến nước Pháp: Chữ Paris Baguette tách biệt bởi biểu tượng tháp Eiffel ở giữa.

Chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bánh ấy lại là một gia tộc người Hàn Quốc. Họ đã đặt cược một số tiền lớn vào chuỗi với hi vọng các khách hàng trên thế giới sẽ hài lòng với những món ăn của họ.

Trong những năm qua, SPC Group đã mở rộng ra 6.000 địa điểm trên thế giới, dù trọng điểm hoạt động vẫn là ở Paris. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy đây là một ván đặt cược đắt đỏ.

Theo Bloomberg Billionaires Index, khối tài sản 3,6 tỉ USD từ 5 năm trước của Chủ tịch Hur Young-in và gia đình ông đã giảm 770 triệu USD. Thu nhập ròng của SPC Group đã giảm 77% kể từ mức đỉnh năm 2016, một phần là do thua lỗ từ những khoản đầu tư nước ngoài.

Trong nước, chi nhánh SPC Samlip của tập đoàn cũng đã chứng kiến cổ phiếu giảm tới 84% từ mức đỉnh năm 2015.

Han Yu-jung, một chuyên gia phân tích tại Daishin Securities, cho biết điều này không gây ra nhiều lo ngại trong ngắn hạn. Đối với các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống, sẽ không có vấn đề khi thua lỗ trong giai đoạn đầu mở rộng ra nước ngoài.

Ông Han cũng cho biết những thương hiệu của họ sẽ có mức độ nhận diện cao hơn ở thị trường địa phương nhưng khả năng thành công hay không lại khác nhau. Người phát ngôn của SPC Group từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

Hiện tại, kể cả dịch COVID-19 có gây tổn thương lớn tới ngành công nghiệp thực phẩm khiến nhiều công ty buộc phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc thì SPC Group vẫn không nản lòng. Tháng trước, họ cho biết sẽ thử vận may ở Canada và ông Hur sẽ tăng số lượng các cửa hàng trên toàn thế giới lên 20.000 vào năm 2030.

SPC Group khởi đầu từ một tiệm bánh nhỏ được thành lập bởi cha của Hur vào năm 1945 tại một thị trấn nhỏ ở Hàn Quốc. 3 năm sau đó, cha của Hur đã chuyển hoạt động kinh doanh tới Seoul và công việc kinh doanh phát lên từ đó.

Hur tới Kansas để học kĩ thuật làm bánh từ Học viện bánh Mỹ. Sau khi trở về quê hương, ông đã tiếp quản một trong những thương hiệu của gia đình vào năm 1983 trong khi người anh trai của ông quản lí mảng chính.

Năm 1986, Hur cho ra đời Paris Croissant, một tiệm bánh theo phong cách Pháp, và Paris Baguette ra mắt 2 năm sau đó. Hoạt động kinh doanh của người anh đã bị phá sản năm 1997 sau khi nỗ lực mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác ngoài đồ uống và bánh. Hur đã mua lại công ty này vào năm 2002 và hợp nhất thành SPC Group vào năm 2004.

Để công ty phát triển mạnh hơn, ông Hur đã xúc tiến vươn xa ra khỏi biên giới Hàn Quốc. Họ bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn thế giới vào năm 2004 khi SPC mở một cửa hàng Paris Baguette ở Thượng Hải. Sau đó lần lượt là những địa điểm như Los Angeles vào năm 2005 và New York 8 năm sau đó.

Hiện tại, tập đoàn sở hữu 300 cửa hàng Paris Baguette ở Trung Quốc và hơn 80 cửa hàng ở Mỹ.

Gia tộc Hàn Quốc đứng sau Paris Baguette thua lỗ hàng trăm triệu USD - Ảnh 2.

Một cửa hàng Paris Baguette tại Manhattan. Ảnh: pio3/Shutterstock

Hur và gia đình ông sở hữu Paris Croissant Co., một chi nhánh của SPC Group. Khoảng 1/5 doanh thu tới từ các cửa hàng Paris Baguette trên thế giới ngoài Hàn Quốc. Gia đình ông cũng sở hữu 74% công ty đã niêm yết SPC Samlip, đơn vị hoạt động tập trung vào nhượng quyền ở thị trường trong nước và phân phối nguyên liệu thực phẩm.

SPC Group có lợi nhuận ròng đạt 19,2 tỉ KRW (~ 16 triệu USD) vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2018 nhưng chậm hơn so với mức kỉ lục 85,2 tỉ KRW vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của SPC Samlip cũng chậm lại còn khoảng 10% so với mức 36% của năm 2016.

Dịch COVID-19 cũng đã gây ảnh hưởng nặng nề tới công ty khi doanh thu giảm 16% trong ba tháng đầu năm so với quý trước đó. Phía công ty cho biết một vài cửa hàng tại Mỹ và Trung Quốc có thời gian mở cửa ngắn hơn, tuy nhiên, hiện tại mọi thứ đang dần trở lại bình thường.

Hơn nữa, tập đoàn này đang nỗ lực để tránh cho nghỉ việc nhân viên và đóng cửa hàng mặc dù các cửa hàng vẫn phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng để giữ doanh số ổn định trong đại dịch.

Tại Mỹ, một nghiên cứu vào tháng 5 cho thấy 2/3 các nhà hàng giao dịch công khai đều có nguy cơ phá sản. Tuy vậy, tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh của Hur vẫn không thay đổi.

"Bánh mì được người nước ngoài yêu thích nhiều hơn là ở Hàn Quốc. Thị trường nước ngoài lớn hơn và sẽ có nhiều cơ hội hơn", Hur tuyên bố với truyền thông vào năm 2016.

Tường Vy