Từng 'mạnh miệng' tuyên bố cạnh tranh với Pepsi và Coca nhưng Ten Ren phải sớm 'khăn gói' khỏi Việt Nam, nói lên điều gì?
Trung tuần tháng 11 năm 2017, giới trẻ có ít nhiều xao động rước thông tin trà sữa Ten Ren, thương hiệu trà sữa lớn nhất Đài Loan, chính thức được đưa về Việt Nam.
Theo đó, hệ thống cửa hàng trà sữa Ten Ren's Tea sẽ được triển khai thông qua hợp đồng nhượng quyền với công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trà Cà Phê Việt Nam (The Coffee House).
Thế nhưng, mới đây, thông tin về việc toàn bộ 23 cửa hàng Ten Ren sẽ được đóng cửa tại Việt Nam khiến nhiều người không khỏi cảm thấy bất ngờ. Vì sao thương hiệu trà sữa số 1 Đài Loan lại không thể chinh phục được "trái tim" của người Việt yêu trà sữa?
Thương hiệu trà sữa số 1 Đài Loan
(Ảnh: Yahoo News)
Được thành lập vào năm 1953, Ten Ren Tea được ra đời với sứ mệnh lan toả nghệ thuật trà của người Trung Quốc và đưa những tách trà ngon đến mọi nơi trên thế giới.
Sau đó, Ten Ren nhanh chóng phát triển ra hơn 100 cửa hàng bán lẻ trên thế giới và hơn 20 cửa hàng tại thị trường khó tính Bắc Mỹ, theo thông tin từ website công ty này.
Với khẩu hiệu "Kinh doanh truyền thống bằng quản trị hiện đại", Ten Ren Tea sở hữu và vận hành năm nhà máy sản xuất để tích hợp các công nghệ hiện đại và phương pháp xử lý lá trà truyền thống.
Ở thời điểm năm 2017, Việt Nam là quốc gia thứ 8 Ten Ren đặt chân đến. Trong "cương vị" của thương hiệu trà sữa được yêu thích nhất Thái Lan, không khó hiểu khi Ten Ren lại được chờ đón tại Việt Nam đến vậy. Theo một số thống kê, có thời điểm, Ten Ren đã từng bán được 300 triệu ly trà sữa mỗi năm trên toàn thế giới.
Tham vọng lớn và "điềm xấu" đầu tiên
(Ảnh: Shout.sg)
Cửa hàng đầu tiên của Ten Ren Việt Nam được mở tại số 42, Trần Cao Vân, Phường 06, quận 3, TP HCM. Nó được chuyển đổi từ một cửa hàng The Coffee House mang lại hiệu quả nhất cho thương hiệu này, một động thái chứng tỏ những tham vọng lớn và sự ưu ái The Coffee House dành cho nỗ lực của mình trên sân chơi trà sữa.
CEO The Coffee House lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hải Ninh, thậm chí còn khẳng định tầm nhìn của Ten Ren tại Việt Nam sẽ không chỉ là cạnh tranh trong thị trường trà sữa mà còn mở rộng tới thị trường đồ uống đóng chai và thực phẩm đóng chai của các ông lớn như Pepsi hay Coca.
Ông Ninh lên kế hoạch đến cuối năm 2018, Ten Ren sẽ có 40 cửa hàng tại Việt Nam.
Ở thời điểm cửa hàng Ten Ren ở Trần Cao Vân đi vào hoạt động, có lẽ sẽ là quá sớm để nói về khả năng thành bại của ten Ren ở Việt Nam.
Dù vậy, vài ngày sau khi cửa hàng này đi vào hoạt động, The Coffee House đã phải đón nhận "điềm xấu" đầu tiên khi phải đóng để sửa chữa các vấn đề liên quan đến hệ thống điện, cùng rất nhiều phàn nàn của khách hàng về việc quá tải, chờ đợi lâu và hết hàng dù đang trong giai đoạn khuyến mại.
Khi gặp một người chưa quen, bạn có khoảng vài giây ngắn ngủi để tạo ra một ấn tượng tốt. Nếu vẫn áp dụng điều này đối với Ten Ren, rõ ràng thương hiệu này đã gặp phải "điềm xấu" và những "thất bại" đầu tiên.
Vì đâu thất bại?
(Ảnh: Ten Ren)
Trong bài đăng chia sẻ về lời chia tay của mình với thị trường Việt Nam, The Coffee House cho biết quyết định đóng cửa Ten Ren đến từ thực tế rằng mô hình kinh doanh hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
"Với kết quả chưa đạt như kì vọng, Ten Ren quyết định ngừng kinh doanh chuỗi cửa hàng và hoạch định lại chiến lược phù hợp cho lĩnh vực này", thông báo viết.
Đại diện The Coffee House cũng thừa nhận họ chưa tìm được công thức thành công trong ngành trà sữa, vì thế việc rời thị trường có thể giúp chuỗi này tập trung vào các thế mạnh cốt lõi của họ.
Thực tế, thị trường trà sữa Việt Nam vốn nnhắm đến đối tượng khách hàng trẻ cùng "gout" ăn uống thay đổi khá nhanh. Cộng hưởng với khó khăn này, thị trường trà sữa cũng đang có rất nhiều thương hiệu lớn cạnh tranh khắc nghiệt hơn bao giờ hết, mặc dù dung lượng thị trường có thể còn rất lớn.
Theo một số báo cáo trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới cùng tốc độ tăng trưởng được dự đoán chạm mốc 5,7% mỗi năm.