|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tự nhận mình là ‘nhà băng xấu’ có thể giúp gì cho Deutsche Bank?

06:41 | 11/07/2019
Chia sẻ
Deutsche Bank mới đây đã chính thức công bố kế hoạch tái cơ cấu của mình cho tới năm 2022.

Khi một nhà băng gặp rắc rối và quyết định thay đổi chiến lược, giải pháp này thường được gọi bằng thuật ngữ "ngân hàng xấu", theo Bloomberg

 Đây là kế hoạch Deutsche Bank AG đang sử dụng để giúp xoay chuyển tình thế, gia tăng lợi nhuận bằng cách giảm sự tập trung vào mảng ngân hàng đầu tư.

Về mặt ý tưởng, đây là một điều đơn giản, tuy nhiên để thực hiện nó một cách hiệu quả lại là một quá trình vô cùng tốn kém.

Screen Shot 2019-07-11 at 00

Sự đi xuống của Deutsche Bank. (Nguồn: Refinitiv, Việt hoá: Thái Sơn)

Ngân hàng xấu là gì?

Đây là tình huống khi một định chế tài chính gặp nhiều khó khăn trong việc sinh lợi nhuận hoặc vướng vào các cấu trúc kinh doanh không hiệu quả tới mức phải bán tài sản hoặc thu nhỏ quy mô. 

Thông thường, ngân hàng xấu thường liên quan đến những mảng kinh doanh hoặc tài sản kìm hãm sự phát triển của ngân hàng, ví dụ như các khoản vay chậm trả hay các tài sản phái sinh kém thanh khoản và rủi ro.

Thế nhưng tên gọi "ngân hàng xấu" đôi khi lại gây hiểu lầm bởi không phải mọi thứ đều xấu. Nó cũng có thể bao gồm các tài sản không mong muốn và không còn nằm trong chiến lược cốt lõi của một nhà băng.

Deutsche Bank đang làm gì?

Deutsche Bank ở thời điểm hiện tại đang thành lập một đơn vị mang tên gọi "giải phóng vốn" để thu nhỏ và giải quyết các tài sản không còn nằm trong chiến lược. Bằng cách này, nó có thể tập trung vào các mảng kinh doanh chính.

Các mảng kinh doanh được chuyển tới đơn vị này có thể có giá trị tới 74 tỉ Euro tài sản có rủi ro và 288 tỉ USD tài sản có rủi ro đòn bẩy vào cuối năm ngoái, con số này có thể tương đương khoảng 21% bảng cân dối kế toán đã tính đến các yếu tố rủi ro của nhà băng vào cuối tháng 3.

Bộ phận này cũng có thể nhận thêm các tài sản từ mảng kinh doanh vốn, các tài sản liên quan đến kinh doanh lãi suất bên ngoài Châu Âu cùng các khoản nợ xấu, theo nguồn tin thân cận với vấn đề.

g500-2018-deutsche-bank

Deutsche Bank công bố chi phí tái cơ cấu lên tới 7,4 tỉ Euro cho tới năm 2022. (Ảnh: Fortune)

Điều hấp dẫn ở đây là gì?

Đặt các tài sản phi cốt lõi vào một bộ phận riêng có thể giúp quá trình tái cơ cấu hiệu quả và minh bạch hơn. Gạt bỏ các tài sản thuộc ngân hàng xấu cũng giúp giải phóng vốn dùng để cải thiện sức mạnh tài chính của nhà băng hoặc để tái khai thác các mảng kinh doanh có hiệu quả hơn. 

Nếu bộ phận này là một pháp nhân riêng, nhà băng thậm chí có thể dọn sạch bảng cân đối kế toán của mình.

Kế hoạch này có gì khó?

Bước đầu tiên của kế hoạch này là cực kì thách thức bởi nó có nghĩa rằng ngân hàng tự công bố nhiều hoạt động kinh doanh của mình không đạt được như kì vọng. 

Đặt tài sản vào ngân hàng xấu cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ ghi nhận giá trị tài sản thấp hơn những gì ghi nhận trước đó. Điều này sẽ làm giảm giá trị công ty, ghi nhận mức lỗ trước hoặc sau khi tài sản được bán đi.

Dù vậy, không loại trừ khả năng tài sản đã được định giá chính xác trước đó. Tuy nhiên, nhìn chung, các nhà băng vẫn sẽ phải đối diện với sự đánh đổi giữa bán tài sản nhanh nhất có thể và giảm thiểu lỗ tối đa có thể. 

Người mua tài sản sẽ có vị thế tốt hơn bởi họ biết rằng ngân hàng đang muốn bán tài sản và có thể chấp nhận các mức giá thấp nếu khoản bán đi này giúp rủi ro giảm xuống.

FN-AH603_FN_DEU_P_20190705042342

18.000 vị trí công việc có thể bị ảnh hưởng sau lần tái cơ cấu này. (Ảnh: FT)

Điều này đã từng có hiệu quả chưa?

Ví dụ nổi tiếng nhất là của Citigroup Inc khi thành lập một bộ phận để giải quyết hàng trăm tỉ USD tài sản không mong muốn. Michael Corbat, người đứng đầu bộ phận này, sau đó tiếp tục dẫn dắt ngân hàng.

Royal Bank of Scotland Group Plc cũng thành lập một chiến lược tương tự để vực dậy từ bờ vực sụp đổ sau khủng hoàng tài chính và quay lại tập trung vào thị trường Anh.

Dù vậy, hai ngân hàng nói trên được hưởng lợi từ các khoản tài trợ từ quỹ công của người nộp thuế, Deutsche Bank sẽ tự tái cơ cấu với chi phí của mình.

 Bloomberg cho hay trong khi nhiều nhà băng có thể đã có được tình trạng tốt hơn ở thời điểm hiện tại nếu sử dụng tiền công quỹ, một số khác lại rất thành công khi tự tái cơ cấu. 

Credit Suisse Group AG đã đóng bộ phận mà hãng này gọi là "giải quyết chiến lược" năm ngoái như một cách để xử lý các mảng kinh doanh có mức độ biến động cao và chuyển sang quản lý các tài sản ổn định hơn.

Kể từ khủng hoảng tài chính, chính sách của Liên minh Châu Âu cũng hạn chế việc dùng quỹ công cho các công cuộc giải cứu ngân hàng. Ngân hàng xấu vẫn là cách để giải quyết các vấn đề cho ngân hàng kém hiệu quả, thế nhưng họ không thể đơn giản yêu cầu người nộp thuế phải liên quan đến nó.

Lần gần nhất Deutsche Bank thoát nạn là khi nào?

Năm 2012, một bộ phận được Deutsche Bank lập ra để giải quyết các tài sản không mong muốn được thâu tóm trong quá trình mở rộng mảng bán lẻ và quản lí tài sản. Thế nhưng, mảng đầu tư mới chiếm phần đa trong số những tài sản cần được giải thoát, bao gồm cổ phiếu, vay bất động sản thương mại, phái sinh và bảo hiểm trái phiếu.

Đây là một quá trình xử lý dài và tốn kém. Dù vậy, nó giúp Deutsche Bank có thêm 2% điểm trong chỉ số sức mạnh ngân hàng cho tới năm 2016, tương đương với hiệu quả từ khoản vốn 8 tỉ EUR nhà băng này gọi được từ các nhà đầu tư trong năm 2017.

Đổi lại, Deutsche Bank phải đối mặt với khoản lỗ 13,7 tỉ EUR trước thế do bán tài sản dưới mức định giá, rút lui sớm khỏi các hợp đồng giao dịch và chi phí pháp lí.

Thái Sơn