|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Từ Chi Lăng đến Hàng Đẫy

12:04 | 22/04/2018
Chia sẻ
Trong khi sân Chi Lăng ở Đà Nẵng bị xẻ lô phân mảnh, “cắm sổ đỏ dự án” vay vốn các ngân hàng thì ở Hà Nội, sau hơn 60 năm, sân Hàng Đẫy đang đứng trước cơ hội được nâng cấp trở thành một siêu sân quốc tế.

Cả hai sân vận động (SVĐ) Chi Lăng và Hàng Đẫy đều là biểu tượng của bóng đá hai thành phố lớn Đà Nẵng và Hà Nội. Trong khi cách đây nhiều năm, Đà Nẵng đã muốn dẹp bỏ SVĐ Chi Lăng trong sự tiếc nuối của người hâm mộ thì Hà Nội cũng trong xu thế phát triển dù có sân Mỹ Đình, nhưng vẫn sân Hàng Đẫy vẫn còn đó, thậm chí đang đứng trước cơ hội được nâng cấp trở thành một siêu sân quốc tế.

Biểu tượng bóng đá hai thành phố lớn

Đà Nẵng nhiều năm qua vẫn được mệnh danh là thành phố đáng sống, cho dù thời điểm này, thành phố bên sông Hàn đang trong giai đoạn "nhiều tâm tư" và đang trở thành điểm "nóng" của dư luận. Chuyện bóng banh nơi đây cũng phải chịu cảnh thăng trầm như tình hình chung của thành phố lớn nhất miền Trung này.

Được khởi công xây dựng từ năm 1954, SVĐ Chi Lăng đã trải qua hơn 60 năm tồn tại và phát triển, trải mình cùng những thăm trầm với bóng đá Đà Nẵng nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

SVĐ Chi Lăng là nơi người hâm mộ bóng đá Việt Nam được chứng kiến trận đấu lịch sử giải U16 châu Á diễn ra vào tháng 9/2000 khi U16 Việt Nam đã có cuộc lội ngược dòng “điên rồ” trước U16 láng giềng Trung Quốc bằng chiến thắng 3-2. Chi Lăng còn là nơi khắc ghi dấu ấn của cầu thủ với biệt danh “thần đồng” - Phạm Văn Quyến với bàn thắng tuyệt đẹp, tạo tiền đề và sự hưng phấn để U16 làm nên trận cầu lịch sử này.

tu chi lang den hang day
Sân vận động Chi Lăng - niềm tự hào không chỉ của riêng SHB Đà Nẵng mà là của cả những người yêu bóng đá sông Hàn.

SVĐ Chi Lăng từng là nơi mà người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng tập trung về vào mỗi cuối tuần để cổ vũ cho SHB Đà Nẵng thi đấu. Bóng đá Việt Nam còn biết đến Đà Nẵng như là nơi sở hữu một “chảo lửa cam” mang tên Chi Lăng.

SVĐ Chi Lăng còn là nơi chứng kiến sự phát triển và trưởng thành của các tài năng bóng đá xứ Quảng. Quá khứ huy hoàng được nối tiếp bằng những cầu thủ tiềm năng ở thời điểm hiện tại như Phan Thanh Phúc, Phan Thanh Hưng hay Anh Tuấn, Ngọc Thắng. Đó thực sự là niềm tự hào và kiêu hãnh của bóng đá sông Hàn.

tu chi lang den hang day
Hàng Đẫy cũng là đại bản doanh của nhiều đội bóng lừng danh của Thủ đô.

Trong khi đó tại Hà Nội, trước khi SVĐ Mỹ Đình ra đời, sân Hàng Đẫy tọa lạc ở đường Trịnh Hoài Đức là SVĐ lớn nhất và cũng là niềm tự hào của người hâm mộ bóng đá Thủ đô. Sân Hàng Đẫy từng là "địa chỉ đỏ" của thể thao miền Bắc nói chung và thể thao Hà Nội nói riêng. Hàng Đẫy là điểm đến hàng đầu của làng cầu Việt, từ giải bóng đá Quân đội các nước XHCN (SKDA) trước đây, đến Tiger Cup 1998, thậm chí cả SEA Games 22 năm 2003 sau này dù đã có sân quốc gia Mỹ Đình.

Hàng Đẫy cũng là đại bản doanh của nhiều đội bóng lừng danh của Thủ đô như: Công An Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, hay kể cả Thể Công... và sau này là những Hòa Phát, Hà Nội ACB... Giai đoạn đỉnh cao, vào mùa giải 2011, Hàng Đẫy là sân nhà của 4 đội bóng chuyên nghiệp là Hà Nội T&T, Hà Nội ACB, CLB Hà Nội và Hòa Phát Hà Nội.

Năm 2017, sân đấu này được 3 đội bóng chuyên nghiệp là Hà Nội FC, Viettel và Công an Nhân Dân đồng thời lựa chọn là sân nhà, trong khi mùa giải 2018 là Hà Nội FC, CLB Hà Nội B và Viettel.

Ứng xử với công sản: Người muốn tạo 'siêu' sân, người xẻ lô rao bán

Nhưng rồi, sân Chi Lăng đứng trước nguy cơ sẽ không còn trên bản đồ bóng đá Việt Nam nữa khi UBND TP Đà Nẵng đã quyết định bán sân vận động này để biến nó thành một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam. Đáng nói là sân Chi Lăng đã bị đem “chia lô, bán nền” khiến cho người dân rất bức xúc.

Với 4 mặt tiền Hùng Vương – Ngô Gia Tự - Lê Duẩn – Chi Lăng giữa trung tâm TP Đà Nẵng, khu đất sân vận động Chi Lăng có tổng diện tích 55.061m2, đã được bán với giá 25 triệu đồng/1m2 vào năm 2010, thời điểm đó giá thị trường là 80 triệu/m.

Ông Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc đó là người ký quyết định bán sân Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh (ông Phạm Công Danh, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn này đã bị bắt) với giá gần 1.400 tỷ đồng. Tiếp đó, ông Minh cho phép "xẻ" SVĐ Chi Lăng thành 14 sổ đỏ cho các công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên.

Điều đáng nói hơn, khu đất này được định hình là xây dự án thương mại dịch vụ nhưng lại được UBND TP Đà Nẵng bán theo giá đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài.

Có được 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thiên Thanh định giá khống 13 lô đất tại sân Chi Lăng để vay 4.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Trong đó, 7 lô đã cầm cố vay tiền ở Ngân hàng BIDV vẫn chưa giải chấp, các lô còn lại được thế chấp vay tiền ở Agribank chi nhánh Láng Hạ.

tu chi lang den hang day
Sân vận động Chi Lăng đang bị "treo".

Khi ông Phạm Công Danh bị khởi tố, toàn bộ hơn 5,5 ha đất sân vận động Chi Lăng đã là tài sản bị thế chấp ở ngân hàng. Dự án Khu phức hợp Thiên Thanh Plaza Đà Nẵng nên nền đất SVĐ Chi Lăng rơi vào thảm cảnh không có lối thoát và có nguy cơ trở thành dự án "treo" chưa biết ngày mai nằm tại khu đất vàng giữa lòng TP Đà Nẵng.

Sau khi ông Trần Văn Minh bị khởi tố do có liên quan đến sai phạm trong việc bán đất công ở Đà Nẵng, trong đó có việc bán SVĐ Chi Lăng, nhiều người dân TP Đà Nẵng bày tỏ bức xúc khi chủ trương bán sân Chi Lăng mặc dù không được sự đồng tình của người dân nhưng lãnh đạo TP vẫn quyết tâm bán.

tu chi lang den hang day
Ông Trần Văn Minh (trái) - nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng, ông Phạm Công Danh (phải) - nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thăng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNBC) .

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng từng có ý định thương thảo với các ngân hàng để lấy lại sân vận động Chi Lăng, nhưng xem ra quá khó bởi số tiền mà Phạm Công Danh vay ngân hàng quá lớn, lên đến trên 4.000 tỷ đồng chứ không phải 1.400 tỷ như lúc chính quyền Đà Nẵng bán đất cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Trong khi sân Chi Lăng bị "xẻ thịt" thì ở Hà Nội, sau hơn 60 năm, sân Hàng Đẫy đang đứng trước cơ hội trở thành một siêu sân quốc tế với bản hợp đồng ghi nhớ mới được ký giữa Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (thường được gọi là bầu Hiển - ông bầu CLB Hà Nội), và Tập đoàn Buygues của Pháp - đơn vị đã xây dựng sân Parc des Princes (Công viên các hoàng tử) vào năm 1972.

Trong suốt lịch sử dài đến 60 năm, sân Hàng Đẫy đã nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp nhằm hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Đáng kể nhất là vào thập niên 90 nhằm phục vụ cho Tiger Cup 1998 với hệ thống chiếu sáng mới hiện đại; chỉnh sửa mặt sân, thay cỏ; lắp ghế ngồi, đồng hồ điện tử, bảng điện tử; mở rộng và nâng sức chứa lên hơn 3 vạn chỗ ngồi.

Vào đầu những năm 2000, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam, sân đấu này cùng không gian xung quanh được nâng cấp, quy hoạch lại. Tuy nhiên tới sau năm 2010 sân bắt đầu xuống cấp và đạt tới mức nghiêm trọng và nguy hiểm vào năm 2015.

Năm 2017, công trình này cũng được nâng cấp lần nữa với số kinh phí hơn 10 tỷ đồng sau khi thành phố Hà Nội quyết định giao sân cho đội bóng Hà Nội T&T.

Đầu năm 2018, Tập đoàn T&T đã công bố kế hoạch đập bỏ và xây mới lại toàn bộ sân Hàng Đẫy với kinh phí lên đến 250 triệu euro (khoảng hơn 7 ngàn tỷ đồng). Tập đoàn Bouygues (Pháp) đã nhận được nhận gói thầu này và bắt đầu thi công từ quý IV/2018.

tu chi lang den hang day
Phương án thiết kế sân vận động Hàng Đẫy mới nhìn từ trên cao.

Theo thiết kế, sân Hàng Đẫy mới có 4 tầng hầm, 2 tầng nổi và khán đài tạo thành quần thể văn hoá thể thao và dịch vụ, thay vì chỉ phục vụ cho thể thao như hiện tại. Sân Hàng Đẫy mới dự kiến không còn đường piste, có sức chứa 2 vạn khán giả, có mái che theo tiêu chuẩn FIFA.

Đặc biệt, sân thi đấu bóng đá được đặt ở tầng nổi thứ 2, phía trên một loạt công trình dịch vụ, văn hoá như rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện hay hệ thống tầng hầm để xe, phục vụ cho toàn khu vực dân cư kế cận.

Một tổ hợp văn hóa - thể thao - giải trí được kỳ vọng sẽ nâng tầm Hàng Đẫy trở thành một Parc des Princes của Hà Nội.

tu chi lang den hang day
Bên cạnh sân vận động, quần thể dự án còn có cả khu nhà trung tâm điều hành, văn phòng.

Câu chuyện Chi Lăng cũng tựa như Sơn Trà, Nam Ô cùng nhiều dự án khác mà lãnh đạo thành phố hôm nay phải đau đầu giải quyết.

Sân Chi Lăng được bán rồi xẻ ra nhiều lô đất nhỏ, để Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh dễ dàng đem đi cầm ngân hàng vay vốn, cho thấy sự dễ dãi trong việc bán nhà đất công ở Đà Nẵng.

Đáng lưu ý là việc UBND TP Đà Nẵng có quyết định đồng ý cho Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư dự án khu phức hợp Chi Lăng khi ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đang đương chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (năm 2010), nhưng khi trả lời báo chí, ông Thơ lại cho biết: "Hồi tôi làm giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì hình như dự án này chưa làm giấy chứng nhận đầu tư".

Tháng 1/2010, ông Thơ được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng. Theo Báo Đà Nẵng, ngày 10/8/2010, Tập đoàn Thiên Thanh được Đà Nẵng chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị phức hợp thương mại - dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng trên đất SVĐ Chi Lăng. Ngày 12/10/2010, Tập đoàn Thiên Thanh được UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Khi số phận sân Chi Lăng vẫn còn treo lơ lửng chưa biết ngày mai, Đà Nẵng thiệt đơn thiệt kép khi vừa có nguy cơ "mất" sân, vừa chứng kiến ngân sách bị thất thoát. Từ một dự án kêu gọi đầu tư có tín hiệu tốt, Đà Nẵng đã “tự sinh đống nợ” ngay trên mảnh đất đang có. Ai là những người phải chịu trách nhiệm?

Đã là công sản thì việc ứng xử của chính quyền cần nhận được sự đồng tình từ phía người dân, không chỉ riêng với sân vận động - một tài sản biểu tượng văn hóa, tinh thần lẫn lịch sử.

Hồ Mai