Chủ tịch Đỗ Quang Hiển: Từ kỹ sư điện máy tới ông chủ đế chế ngân hàng, bất động sản
Năm 2021 có lẽ là mốc thời gian quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với sự lột xác đầy ấn tượng từ những kết quả khả quan năm 2019.
Cổ phiếu tăng giá bằng lần, chính thức niêm yết trên sàn HOSE, bán vốn thành công công ty tài chính là những "trái ngọt" mà SHB, ngân hàng gắn liền với thương hiệu "bầu" Hiển (tức ông Đỗ Quang Hiển) đã đạt được trong năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Sức nóng của cổ phiếu, kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng cũng làm nóng hơn cái tên bầu Hiển trên sàn chứng khoán. Từ hai bàn tay trắng, sau 30 năm ngoài thương trường, bầu Hiển đã gây dựng nên đế chế ngân hàng, bất động sản,... hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Hiển hiện đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ tịch HĐQT SHB; Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn T&T; Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS); Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH); Chủ tịch HĐQT CTCP Bệnh viện Giao thông vận tải; Chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
Chưa có thống kê chi tiết nào về khối tài sản mà gia đình ông đang nắm giữ, tuy nhiên tại SHB, ông Hiển sở hữu gần 53 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu mà ông, người nhà và tổ chức có liên quan (T&T và Chứng khoán SHB) là hơn 384 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% vốn cổ phần của ngân hàng.
Nếu ước tính với giá đóng cửa vào cuối phiên 12/10, tổng giá trị số cổ phiếu trên ước đạt 11.624 tỷ đồng.
Chi tiết thông tin sở hữu cổ phiếu SHB của nhóm cổ đông có liên quan đến bầu Hiển
Trong khi đó, T&T hiện là cổ đông lớn nhất của SHB và là thương hiệu được gắn liền với ông Đỗ Quang Hiển, ngay cả khi chưa rõ ông có bao nhiêu cổ phần tại đây, dư luận vẫn thường mặc định xem T&T là của bầu Hiển.
Mặc dù sở hữu khối tài sản lớn nhưng bầu Hiển thường xuất hiện với hình ảnh giản dị, gần gũi. Ông từng nói: "Tôi không bao giờ nhận là đại gia và cũng không thích người ta gọi mình như vậy vì tôi thấy rằng mình vẫn còn là một doanh nhân rất nhỏ bé".
Tôi không bao giờ nhận là đại gia và cũng không thích người ta gọi mình như vậy vì tôi thấy rằng mình vẫn còn là một doanh nhân rất nhỏ bé.
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB
Có lẽ ít người biết được rằng trước khi tạo lập nên các thương hiệu T&T và SHB, ông Đỗ Quang Hiển từng mơ ước trở thành nhà khoa học, nhưng sự bén duyên với nghiệp thương trường đã đưa ông trở thành một doanh nhân.
Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân khoa Vật lý trường Đại học tổng hợp Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển đã dành những năm đầu tiên ra trường làm việc trong vị trí kỹ sư vật lý vô tuyến tại đài phát thanh cho tới nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.
Tuy nhiên, bước ngoặt bắt đầu từ năm 1993 khi ông quyết định từ bỏ công việc nghiên cứu để ra thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (tiền thân của CTCP Tập đoàn T&T), chuyên buôn bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị viễn thông…
Sau 5 năm đầu thành công, trở thành đại lý độc quyền cung cấp các nhãn hàng Panasonic, Mitsubishi, National (Nhật Bản) trên thị trường Việt Nam, T&T cũng phải đối mặt với khoảng thời gian "nước sôi lửa bỏng" khi hàng lậu tràn vào Việt Nam.
Thời điểm đó, hàng hoá lúc đó chất đống trong kho, không thể cạnh tranh với hàng lậu, nợ ngân hàng thì ngày càng nhiều lên. "Nếu nói T&T phá sản thì hơi ngoa, nhưng tình thế lúc ấy cũng gần như vậy, may là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này", ông từng chia sẻ.
Sau sóng gió đó, ông lại dẫn dắt T&T tiếp tục "tấn công" sang thị trường lắp ráp xe máy rồi mở rộng dần hoạt động, lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính - ngân hàng.
Năm 2007, ông Hiển có một quyết định khá bất ngờ khi mua lại cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, có trụ sở tại Cần Thơ và sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Sau 15 năm dưới "bàn tay" của ông Hiển, vốn điều lệ của SHB đã tăng gấp gần 40 lần từ 500 tỷ đồng lên 19.260 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng tiếp lên 26.674 tỷ đồng trong năm nay.
"Với T&T, đầu tư vào ngân hàng là xu thế tất yếu. Các tập đoàn lớn trên thế giới bao giờ cũng bắt đầu từ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, khi tập đoàn đó lớn lên thì họ sẽ đầu tư vào ngân hàng, tài chính để sinh lời bổ trợ sản xuất, tạo nên sự lớn mạnh của tập đoàn", ông Hiển chia sẻ trên báo Công an Nhân dân.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khi tham gia lĩnh vực này, cần có sự am hiểu về ngân hàng, phải mạnh về tài chính và quản trị. Làm ngân hàng phải xác định lâu dài chứ không phải là vào vì cổ phiếu ngân hàng và kinh doanh kiểu "lướt sóng".
Theo ông, làm ngân hàng cũng phải làm có hệ thống, bao gồm tài chính, chứng khoán, bảo hiểm thì mới đứng vững và phát triển được, còn nếu anh đi theo "độc canh" ngân hàng thì rất khó thành công.
Được bổ nhiệm lên vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vào năm 2008, ông Hiển đã lập tức chuyển trụ sở chính từ Cần Thơ ra Hà Nội, niêm yết cổ phiếu SHB trên thị trường chứng khoán để khẳng định tính minh bạch và tạo niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư.
Cũng trong giai đoạn này, nguồn vốn của ngân hàng được đẩy mạnh, SHB là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc mở rộng quy mô hoạt động sang nước ngoài, cụ thể là Lào và Campuchia.
"Tôi luôn thích làm những việc mà người khác cho là không thể và quyết tâm làm đến cùng", ông Đỗ Quang Hiển từng phát biểu với báo giới nhiều năm trước.
Câu nói này của ông tiếp tục được khẳng định qua kết quả kinh doanh của SHB và sự đóng góp của ông trong việc tái cấu trúc ngành ngân hàng.
Trong giai đoạn 2010 - 2012, hoạt động ngân hàng tại Việt Nam ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà băng mất thanh khoản, bộc lộ yếu kém.
Khi đó, SHB là một trong những nhà băng tương đối ổn định nhưng lại chủ động tham gia tái cấu trúc với việc sáp nhập với Habubank vào năm 2012 và tiếp tục sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) vào năm 2016.
Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động nhanh chóng nhưng con đường của bầu Hiển không hề dễ dàng như vậy. "Tiềm năng" đi cùng "rủi ro", lượng nợ xấu khổng lồ đã kéo tụt hoạt động của ngân hàng trong các năm tiếp theo và nhiều khoản không thể thu hồi, kéo dài dai dẳng.
Song có lẽ, nhờ sự quyết tâm của người đứng đầu và bối cảnh kinh tế thuận lợi, hoạt động của SHB đã có lại sự khởi sắc trong 5 năm trở lại đây.
Nếu như năm 2016 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mới đạt 1.156 tỷ đồng thì tới năm 2020, con số này đã lên tới 3.268 tỷ đồng. Trong 5 năm, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng gấp gần 3 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 23%/năm.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB cũng ghi nhận sự cải thiện từ mức 7,5% vào năm 2016 lên mức 12,2% năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm nay, SHB ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, ROE của ngân hàng tiếp tục tăng lên 15,7%.
Cho đến nay, quá trình tái cơ cấu gần như đã hoàn thành, SHB đang đặt ra mục tiêu sẽ xử lý xong toàn nợ xấu tồn đọng sau sáp nhập ngay trong năm nay.
SHB cũng đã hoàn tất ba trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất theo Basel II đạt 10,1% (quy định của NHNN là >8%).
Dấu ấn của doanh nhân Đỗ Quang Hiển luôn gắn liền với hai thương hiệu là SHB và T&T. Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp này đang góp phần tạo nên một hệ sinh thái đa dạng cho khách hàng.
Với khởi điểm là một công ty nhỏ chuyên bán buồn đồ điện tử, đến nay Tập đoàn T&T đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang 7 lĩnh vực chính: Tài chính & đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & Logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, thực hiện chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn T&T đã đầu tư mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của hàng loạt DN lớn như Công ty Điện cơ Thống Nhất (Vinawind), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood II,) Cảng Quảng Ninh, Bệnh viện GTVT, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Vigetexco)… với mục tiêu vực dậy nhiều thương hiệu lớn hoạt động kém hiệu quả.
Với vốn điều lệ đạt 15.000 tỷ đồng, T&T hiện đang phát triển nhiều dự án bất động sản trên cả nước.
Trong lĩnh vực tài chính, bên cạnh ngân hàng SHB, hoạt động kinh doanh của T&T còn bao gồm cả lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm thông qua hoạt động đầu tư và là cổ đông chiến lược của các định chế tài chính như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF), Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Không chỉ hoạt động ở trong nước, Tập đoàn còn mở rộng hoạt động tại nước ngoài như mở công ty tại Mỹ, Đức, Nga, Singapore,... Con trai cả của bầu Hiển, từng là Giám đốc chi nhánh T&T tại Mỹ.
Tham vọng của T&T chưa dừng lại ở các mảng hiện có, trong vài năm trở lại, Tập đoàn T&T liên tục bắt tay với một loạt "đại gia" sừng sỏ trên thế giới như với Bouygues của Pháp để xây dựng hạ tầng, với Food City của Nga để phát triển nông nghiệp hay gần đây nhất là với Tập đoàn UPC Renewables của Mỹ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, thu mua nông sản.