Cổ phiếu ngân hàng 'xanh mướt', thanh khoản SHB bùng nổ trong ngày đầu chào sàn HOSE
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng 21,36 điểm (1,56%) lên 1.394,09; HNX-Index tăng 2,42 điểm (0,65%) lên 374,34 điểm; UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,51% lên 98,8.
Thị trường đã diễn biến tích cực nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã đóng vai trò dẫn dắt như TCB, CTG, SHB...
Đóng cửa phiên giao dịch, có tới 26/27 mã ngân hàng tăng giá, với CTG và HDB tăng mạnh nhất (cùng tăng 5,3%). Nhờ đó, sau hơn một tuần về dưới mốc 30.000 đồng/cp, cổ phiếu CTG đã quay trở lại mức giá 31.000 đồng/cp. Tương tự, cổ phiếu HDB cũng vượt được qua mức giá 25.000 đồng/cp.
Trong ngày đầu giao dịch trên HOSE, cổ phiếu SHB đã ghi nhận đà tăng giá tốt ngay từ đầu phiên. Mặc dù đà bán bắt đầu tăng lên trong phiên chiều, song, lực cầu mạnh trong những phút cuối phiên đã giúp cổ phiếu này kết ngày với giá 30.300 đồng/cp, tăng 4,8%.
Với khối lượng giao dịch đạt hơn 50,6 triệu đơn vị, thanh khoản của cổ phiếu SHB phiên hôm nay ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu tháng 6 trở lại đây. Giá trị giao dịch tương đương đạt hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm gần 7% giá trị giao dịch toàn sàn HOSE.
Ngoài ra, TCB, EIB và MBB cũng là những mã có mức tăng trên 4% kết thúc phiên. Trong đó, thanh khoản của TCB và MBB đều đạt mức cao, gấp 2 - 3 lần mức trung bình các tuần trước.
Duy nhất cổ phiếu SSB của SeABank đứng tham chiếu tại mức giá 38.000 đồng/cp. Trước đó hai tháng, cổ phiếu này chỉ đi ngang quanh vùng giá 35.500 đồng/cp và tới ngày 7/10 vừa qua mới tăng mạnh lên vùng giá 37.000 đồng/cp.
Cũng trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 50,7 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 46,9 tỷ đồng cổ phiếu STB. Ở chiều ngược lại, không có cổ phiếu ngân hàng nào bị khối ngoại bán ròng quá 15 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tích cực hơn sau khi những thông tin về kết quả kinh doanh quý III được các đơn vị phân tích đưa ra mới đây.
Theo ước tính kết quả kinh doanh quý III của SSI Research, 9 ngân hàng, lợi nhuận quý III của Techcombank được dự báo sẽ lên ngôi "quán quân" với 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lợi nhuận Vietcombank dự báo sẽ đi ngang ở mức 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của MB, ACB, VPBank... cũng được kỳ vọng tăng trưởng trên hai con số so với cùng kỳ 2020.