|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB tăng mạnh trong hai ngày cuối ở HNX, VPB và MSB đã chốt quyền cổ tức

14:09 | 09/10/2021
Chia sẻ
Trong tuần qua (4/10 - 8/10), dù chỉ giao dịch trong hai ngày trước khi chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE, cổ phiếu SHB vẫn đứng đầu về tăng giá lẫn khối lượng giao dịch toàn ngành.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB tăng mạnh trong hai ngày cuối cùng trước khi chuyển sàn, VPB và MSB đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: SHB).

SHB tăng mạnh trong hai ngày giao dịch cuối cùng trên HNX

Trong tuần vừa qua (4/10 - 8/10), biến động giá các cổ phiếu ngân hàng phân hóa với 14/26 mã tăng giá, 11 mã giảm và một mã đứng tham chiếu.

Trong đó, cổ phiếu SHB là mã tăng mạnh nhất ngành với mức tăng 10,7% dù chỉ giao dịch trong hai phiên. Ngày 5/10 là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Sau SHB, tính chung trong 5 ngày giao dịch, cổ phiếu SSB của SeABank là mã tăng mạnh thứ hai (+6%) với 4 phiên tăng và một phiên đứng giá. Trong đó, phiên 7/10, giá cổ phiếu này tăng mạnh 3,9%.

SSB ghi nhận diễn biến tích cực trước ngày 14/10 tới đây, SeABank sẽ chốt danh sách cổ đông đăng ký mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ. 

Theo đó, ngân hàng sẽ chào bán 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, tương đương với tỷ lệ phát hành là xấp xỉ 10,13%. Nếu phát hành thành công, SeABank dự kiến thu về 2.040 tỷ đồng.

Trở lại với diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua, ngoài SSB, một số mã khác cũng có mức tăng giá tích cực như OCB (+4,3%), STB (+4%), TCB (+3,5%)... Một số cổ phiếu bluechip như MBB, BID, VCB ghi nhận mức tăng dao động quanh 1%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân tiếp tục chứng kiến một tuần giảm giá sau chuỗi ngày tăng mạnh từ cuối tháng 7. Kết tuần, giá NVB giảm 3,8% xuống còn 27.900 đồng/cp. 

Kế sau đó là cổ phiếu VBB của Vietbank với mức giảm 2,5%. Bên cạnh đó, HDB và EIB cùng có mức điều chỉnh là 2% trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB tăng mạnh trong hai ngày cuối cùng trước khi chuyển sàn, VPB và MSB đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức - Ảnh 2.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Tuần qua có tổng cộng gần 557 triệu cổ phiếu ngân hàng được mua bán, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 18.726 tỷ đồng, giảm 8,5% về khối lượng và giảm 6,5% về giá trị so với tuần trước.

Dù chỉ giao dịch trong hai ngày, nhưng cổ phiếu SHB vẫn sở hữu khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 71,3 triệu đơn vị. Riêng trong phiên giao dịch cuối cùng, thanh khoản của cổ phiếu này "bùng nổ" lên hơn 44 triệu đơn vị. 

Xếp sau đó là cổ phiếu TPB và STB với khối lượng giao dịch tuần cùng đạt khoảng 62 triệu đơn vị. 

Trong đó, ghi nhận vào phiên 5/10, gần 23 triệu cổ phiếu TPB được mua bán thỏa thuận bởi những nhà đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 1.020 tỷ đồng, tương đương với giá hơn 44.700 đồng/cp, cao hơn cả mức đỉnh hiện tại của cổ phiếu này.

Mặt khác, VPB lại là mã ngân hàng có giá trị giao dịch cao nhất ngành với hơn 2.995 tỷ đồng. TPB và TCB đứng kế sau với giá trị giao dịch đạt lần lượt 2.675 tỷ đồng và 2.210 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: SHB tăng mạnh trong hai ngày cuối cùng trước khi chuyển sàn, VPB và MSB đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức - Ảnh 3.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Một số sự kiện ngành ngân hàng nổi bật trong tuần

Ngày 8/10, MSB và VPBank đều đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng. Theo đó, MSB sẽ phát hành 352,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%; qua đó nâng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng.

Trong khi đó, VPBank sẽ phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương  tỷ lệ 80%. Trong đó, 1,53 tỷ cổ phiếu phát hành để trả cổ tức với tỷ lệ 62,15% và hơn 440 triệu cổ phiếu phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 17,85%. Vốn điều lệ của VPBank qua đó sẽ tăng từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.

SHB được Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore chấp thuận về nguyên tắc việc đăng ký niêm yết trái phiếu quốc tế đợt 1 theo Chương tình Euro Medium Term Note (EMTN) với giá trị tối đa 300 triệu USD.

Tại sự kiện Chủ tịch Quốc hội làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới Doanh nhân Việt Nam, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm kiến nghị Chính phủ xem xét tăng vốn điều lệ cho BIDV và các tổ chức tín dụng Nhà nước thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Techcombank và MB sẽ thu xếp vốn cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 của PV Power. Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 của PV Power là dự án lớn nhất miền Nam tính đến thời điểm hiện tại, tổng mức đầu tư khoảng 33.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 75%. 

Kho bạc Nhà nước đã chào thầu thành công 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại trong ngày 8/10. Lượng ngoại tệ này sẽ được sử dụng để đáp ứng cho các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ qua Kho bạc Nhà nước.

Lê Huy