|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân ngán ngẩm cổ phiếu ngân hàng, quỹ ngoại kiên nhẫn vì ‘kẹp’ hàng tỷ USD

17:00 | 03/10/2021
Chia sẻ
Khác với tâm trạng hưng phấn của những tháng đầu năm, nhóm ngân hàng đang tra tấn tâm lý của những nhà đầu tư cá nhân trên thị trường khi liên tục giảm giá nhiều phiên liên tiếp. Là bộ phận chiếm hơn 85% thanh khoản mỗi ngày, dường như NĐT cá nhân đang thực sự ngán ngẩm với cổ phiếu “vua”.

Quan sát đồ thị cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã đang rớt xuống vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Hiện tượng cổ phiếu "thủng" các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn không còn hiếm gặp. Trên các diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất đó là khi nào cổ phiếu ngân hàng có thể hồi phục.

Đối lập trạng thái có phần tiêu cực của các NĐT cá nhân, các quỹ ngoại trên thị trường lại đang kiên nhẫn khi nắm giữ tỷ trọng cao cổ phiếu ngân hàng trong danh mục. Theo dõi tại 8 quỹ ngoại (quỹ chủ động, không tính ETF) có quy mô trên 150 triệu USD, giá trị cổ phiếu ngân hàng đang nắm giữ vào khoảng 2 tỷ USD (46.000 tỷ đồng).

NĐT cá nhân ngán ngẩm cổ phiếu ngân hàng, quỹ ngoại kiên nhẫn vì ‘kẹp’ hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Dragon Captial và Pyn Elite Fund "tất tay" cổ phiếu ngân hàng

Tại quỹ có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng thời điểm cuối tháng 8 lên đến 38,28%. Tỷ trọng này lớn hơn đáng kể so với nhóm đứng thứ hai là bất động sản (27,8%).

Theo quan sát, quỹ tỷ USD do Dragon Capital quản lý đã nâng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng vượt ngưỡng 38% kể từ tháng 5 và duy trì cho đến thời điểm hiện tại. 

Những tháng đầu năm, quỹ VEIL phân bổ khoảng 33 - 34% danh mục đầu tư vào nhóm ngân hàng. Khi nhóm cổ phiếu "vua" dậy sóng, hiệu suất của quỹ ngoại này thuộc nhóm cao nhất thị trường. Song, ở thời điểm hiện tại, việc nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng tác động tiêu cực đến hiệu suất chung của quỹ.

Cập nhật danh mục đầu tư của VEIL tại ngày 23/9, những cổ phiếu ngân hàng có tỷ trọng lớn nhất là VPB (11,85%), ACB (9,49%), VCB (6,71%) và TCB (3,95%). Với quy mô danh mục gần 2,5 tỷ USD, ước tính giá trị cổ phiếu ngân hàng của VEIL vào khoảng 940 triệu USD.

NĐT cá nhân ngán ngẩm cổ phiếu ngân hàng, quỹ ngoại kiên nhẫn vì ‘kẹp’ hàng tỷ USD - Ảnh 2.

Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục quỹ ngoại lớn nhất thị trường - VEIL. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Không riêng VEIL, nhiều quỹ thành viên khác trong nhóm Dragon Capital cũng đang phân bổ tỷ trọng lớn vào cổ phiếu ngân hàng. Chưa kể hai ETF nội lớn nhất thị trường là VFMVN30 ETF và VFMVN Diamond ETF cũng đang phân bổ hàng trăm triệu USD vào nhóm ngân hàng.

Trong nhóm Dragon Capital, CTBC Vietnam Equity Fund có quy mô trên 580 triệu USD, trong đó 31% là cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu MBB dẫn đầu danh mục của quỹ Đài Loan này với 9,15%.

Quỹ thành viên khác của nhóm Dragon Captial - Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) đang giành 33,9% danh mục trị giá 215 triệu USD cho cổ phiếu ngân hàng. Những mã ngân hàng được quỹ này đầu tư nhiều nhất là MBB (8,68%), VPB (6,86%), TCB (4,47%) và STB (3,91%).

Tương tự Dragon Pyn Elite Fund cũng đang đầu tư vào nhóm cổ phiếu "vua". Trong 10 mã có tỷ trọng lớn nhất, có đến 4 cổ phiếu ngân hàng (TPB, HDB, MBB, CTG) với tổng tỷ trọng 35,2%. Điểm tích cực với quỹ ngoại này là cổ phiếu TPB có tỷ trọng lớn nhất đang diễn biến tích cực. Trong tháng 8, ba mã ngân hàng là MBB, HDB và CTG tác động tiêu cực nhất đến hiệu suất đầu tư của quỹ.

Việc nắm giữ tỷ trọng cao cổ phiếu ngân hàng và "họ Vingroup" khiến kết quả đầu tư của Pyn Elite Fund không mấy sáng sủa dù nhà quản lý quỹ liên tục lên "hô hào" trên thị trường. Tỷ suất lợi nhuận của Pyn chỉ đạt 16,41% trong 8 tháng đầu năm, thấp hơn VN-Index, thậm chí bị xem là đơn vị có kết quả đầu tư kém nhất trong nhóm quỹ chủ động.

Nhiều quỹ thận trọng với tỷ trọng vừa phải

Không "tất tay" như nhóm Dragon Capital hay Pyn Elite Fund, những quỹ ngoại còn lại dù đang nắm tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng nhưng vẫn khá cân bằng với các nhóm ngành khác như bất động sản, thép, thực phẩm.

Thời điểm cuối tháng 8, cổ phiếu tài chính ngân hàng chỉ đứng thứ ba về tỷ trọng danh mục của VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF). Theo thống kê, nhóm tài chính có tỷ trọng 20,1% danh mục VOF, thấp hơn hai nhóm vật liệu (24,3%) và bất động sản (23,4%). Ba mã ngân hàng trong Top10 cổ phiếu được đầu tư lớn nhất là ACB (tỷ trọng 5,9%), EIB (5,2%) và OCB (4,7%).

Tương tự, cổ phiếu tài chính cũng chỉ sếp thứ ba trong danh mục trị giá hơn 420 triệu USD của JPMorgan Vietnam Opportunities. Tỷ trọng cổ phiếu tài chính của quỹ là 16,7%, thấp hơn bất động sản (29,9%) và tiêu dùng thiết yếu (23,4%). Không có mã ngân hàng nào trong Top5 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ.

Còn tại hai quỹ ngoại Lumen Vietnam Fund và Vietnam Holding, dù được phân bổ tỷ trọng lớn nhất nhưng nhóm tài chính/ngân hàng vẫn không chênh lệch lớn so với các nhóm cổ phiếu theo sau là bất động sản.

Với những gì đang diễn ra, việc nắm giữ tỷ trọng vừa phải cổ phiếu ngân hàng lại là điểm tích cực của các quỹ ngoại. Khác với các nhà đầu tư tổ chức, bộ phận giao dịch lớn nhất trên thị trường là nhà đầu tư vẫn đang mong ngóng khi nào cổ phiếu ngân hàng có thể hồi phục để có thể "vào bờ"?

Lợi Hoàng