Góc nhìn quỹ tỷ USD của VinaCapital về ba bluechip HPG, VHM và ACB
NĐT chứng khoán nhìn vào sự hồi phục kinh tế của năm 2022, một số ngành dự báo hưởng lợi đã tăng giá trước thị trường
Trong báo cáo mới đây của quỹ tỷ USD do VinaCapital quản lý – VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), nhà phân tích của quỹ ngoại này đã có những đánh giá về kinh tế và chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng nổ lần thứ tư.
Theo VinaCapital, dữ liệu vĩ mô quý III của Việt Nam được xác định đáng thất vọng, song vẫn có những tín hiệu tích cực. Đơn cử, các dự án FDI đang có và đầu tư mới tiếp tục đến Việt Nam bất chấp những góc nhìn tiêu cực của truyền thông quốc tế.
Tại trung tâm kinh tế là TP HCM, một số biện pháp nới nỏng có thể được áp dụng trong tháng 10, hướng tới sống chung với COVID-19 như một trạng thái bình thường mới. Tốc độc tiêm chủng vắc xin cao là điều kiện cho chiến lược mở cửa.
Đánh giá triển vọng của các doanh nghiệp, chuyên gia của VinCapital điều chỉnh giảm tăng trưởng lợi nhuận của các công ty xuống còn 15%, thay vì 35% như trước đó. Nguyên nhân là hoạt động tiêu dùng yếu, việc đóng cửa các nhà máy khiế gián đoạn nguồn cung, giá đầu vào tăng cao… Đây là tác động ngắn hạn của giãn cách xã hội.
Với một góc nhìn tích cực, chuyên gia của VinaCapital cho rằng tỷ lệ tăng trưởng thấp trong năm nay có thể là cơ sở cho sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ trong năm sau.
Còn với chứng khoán, thị trường dường như đã điều chỉnh, phản ánh tác động xấu của việc phong tỏa, giãn cách xã hội. Nhà đầu tư ở Việt Nam đang nhìn về sự hồi phục vào năm 2022. Trên thực tế, một số công ty hay ngành nghề dự báo hưởng lợi khi kinh tế phục hồi đã tăng giá trước so với thị trường chung.
Nói thêm về định giá thị trường chứng khoán, nhà phân tích của VinaCapital cho rằng dự phóng P/E năm 2021 ở mức 15 lần, hấp dẫn so với mức 17 lần trung bình các nước ASEAN. Trong 8 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam (VN-Index) tăng trưởng hơn 23%, trong khi Thái Lan (7,5%), Indonesia (3,3%), Singapore (8,5%). Hai thị trường chứng khoán Philippines và Malaysia giảm lần lượt 5,6% và 2,6%.
Góc nhìn của VinaCapital về HPG, VHM và ACB
Cụ thể hơn về các ngành nghề có thể phục hồi sau đợt dịch, chuyên gia của VinaCapital đưa ra ba lĩnh vực là vật liệu, bất động sản và tài chính. Đây là ba nhóm ngành chiếm 67% tỷ trọng danh mục quỹ VOF (quy mô hơn 1,3 tỷ USD).
Ba cổ phiếu được nhà phân tích của quỹ này đề cập đến là HPG, VHM và ACB. Tính đến cuối tháng 8, tỷ trọng của ba cổ phiếu trên lần lượt là 17,5%,10% và 5,9%.
Với Hòa Phát (Mã: HPG), doanh nghiệp thép này công bố sản lượng tiêu thụ tháng 8 đạt 690.000 tấn, tăng 14,4% so với tháng trước và 17,2% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép chính là hai sản phẩm đóng góp lớn nhất vào doanh số bán hàng.
VinaCapital kỳ vọng Hòa Phát sẽ có doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh vào quý IV. Với việc Trung Quốc kìm hãm sản lượng, nhà sản xuất thép này có thể xuất khẩu phôi thép (sang Trung Quốc, Đài Loan), HRC (Mỹ, Chile), thép cây (Úc, Nhật Bản và các thị trường phát triển). Khối phân tích của quỹ ngoại này dự báo lợi nhuận của Hòa Phát tăng trưởng 157% trong năm nay, đạt 1,5 tỷ USD.
Đánh giá về Vinhomes (Mã: VHM), nhà phân tích của VinaCapital cho rằng lợi nhuận của nhà phát triển bất động sản này tăng mạnh quý đầu năm nhờ giao nhà tại ba dự án lớn Ocean Park, Smart City và Grand Park.
Trong năm nay, Vinhomes dự kiến bán hàng tại các dự án như Wonder Park và Dream City. Ước tính doanh số bán năm nay đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020. Tuy nhiên, nhà phân tích của VinaCapital cũng lưu ý việc giãn cách xã hội kéo dài có thể ánh hưởng đến doanh số bán và kế hoạch khởi công các dự án mới. Trong năm nay, VinaCapital dự báo lợi nhuận của Vinhomes đạt khoảng 26%,
Đại diện nhóm ngân hàng được VinaCapital phân tích đó là ACB. Ngân hàng này thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay trên diện rộng từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9 để hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch COVID-19. Hoạt động này sẽ tác động đến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng. Tuy nhiên, ACB kỳ vọng giữ ổn định thậm chí nâng NIM nhờ lãi suất huy động tiếp tục ở mức thấp và tăng tỷ lệ CASA.
Về tổng quan, chuyên gia của VinaCapital vẫn đánh giá thận trọng về ngành ngân hàng, bởi chính sách trích lập dự phòng cho phép các ngân hàng trì hoãn việc ghi nhận một số khoản nợ xấu. Hoạt động này có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với dự kiến trong tương lai.