Nhà đầu tư 'tức cổ' vì cổ tức ngân hàng: Cổ phiếu chưa về tay đã lỗ
Hôm nay (7/10), cả hai mã MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam và VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đều là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng.
Với mức chia lên tới 80%, cổ phiếu VPB đã pha loãng từ vùng giá 62.000 đồng/cp xuống còn hơn 34.000 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu MSB từ vùng giá 27.000 đồng/cp giảm xuống còn 22.000 đồng/cp.
Tại phiên sáng 7/10, cả VPB và MSB đều có diễn biến tích cực, ghi nhận mức tăng từ 3 - 4% ngay từ đầu phiên. Song, trước đó nhiều ngày, cả hai mã cổ phiếu này đều đã điều chỉnh sâu.
Diễn biến giá cổ phiếu VPB và MSB thời gian gần đây. (Ảnh: TradingView).
Còn nhớ trong "sóng" cổ phiếu ngân hàng hồi tháng 6 và tháng 7, những thông tin về việc chia cổ tức được kỳ vọng như một động lực để tăng giá, luôn được nhà đầu tư đón chờ. Về hướng tích cực, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các ngân hàng củng cố "bộ đệm vốn", đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Mặt khác, điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá, theo FiinGroup.
Bên cạnh đó, một yếu tố tiêu cực đó là đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Một mặt, rủi ro của các ngân hàng tăng lên khi các khoản nợ dễ bị chuyển thành nợ xấu, buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, Chính phủ cũng đã kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đồng hành với khách hàng vượt qua đại dịch.
Triển vọng ngành ngân hàng cũng trở nên kém khả quan hơn sau đó, trực tiếp phản ánh lên giá cổ phiếu trên thị trường. Nhà đầu tư "ôm" cổ tức ngân hàng sau đó cũng phải nhận cục tức, điển hình là cổ đông CTG, LPB hay VIB.
Việc chia cổ tức đối từng được đánh giá là yếu tố tích cực với cổ phiếu CTG cùng với các "câu chuyện riêng" như thoái vốn công ty con, ký hợp tác bancassurance... Mã CTG từng tăng mạnh lên gần gấp đôi chỉ trong vài tháng.
Cuối ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/7, cổ phiếu này có giá là 39.050 đồng/cp. Song đây cũng là những ngày cuối cùng trước khi CTG và hầu hết cổ phiếu ngân hàng khác đồng loạt lao dốc.
Phải đến ngày 25/8, hơn 1 tỷ cổ phiếu CTG mới về đến tay nhà đầu tư. Tuy nhiên, giá cổ phiếu khi đó chỉ còn là 32.150 đồng/cp.
Như vậy, số cổ tức mà nhà đầu tư cầm cho tới khi bán được đã phải chịu lỗ 18%. Chưa kể, nếu nhà đầu tư mua với số lượng ít, cổ tức nhận về là lô lẻ, muốn bán luôn họ sẽ phải bán với giá sàn, chịu lỗ thêm 7%. Cho tới kết phiên 6/10, giá cổ phiếu CTG chỉ còn 29.300 đồng/cp.
Tương tự với trường hợp của LPB, từ ngày giao dịch không hưởng quyền cho tới ngày cổ tức về tài khoản nhà đầu tư, giá cổ phiếu đã giảm 12% từ 23.400 đồng/cp xuống còn 20.550 đồng/cp. Thậm chí, nhà đầu tư VIB còn "ngán ngẩm" hơn khi phần cổ tức phải chịu lỗ tới 23% trong khoảng thời gian này.
Gần đây nhất, cổ phiếu HDB và OCB đã chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức lần lượt vào 27/8 và 3/8. Dù chưa về đến tay nhà đầu tư, nhưng tạm tính tới kết phiên 6/10, nhưng cổ đông HDBank đã lỗ 10% phần cổ tức này, trong khi đó cổ đông OCB lỗ 5%.