Cổ phiếu ngân hàng: Khối lượng tăng thêm 3,8 tỷ đơn vị, vốn hóa sụt hơn 11 tỷ USD
Kết phiên gần đây nhất (1/10), trên thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm HOSE, HNX và UPCoM) có 27 mã ngân hàng đang giao dịch với tổng khối lượng là 43,44 tỷ cổ phiếu, chiếm 26,1% lượng cổ phiếu toàn thị trường.
So với ba tháng trước (ngày 30/6), số cổ phiếu ngân hàng đã tăng thêm 3,81 tỷ đơn vị, tỷ trọng tăng thêm 1 điểm %. Gần 47% khối lượng cổ phiếu mới được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên toàn thị trường giai đoạn 30/6 – 1/10 đến từ nhóm ngân hàng.
Lượng cổ phiếu mới chủ yếu đến từ một số đợt trả cổ tức khủng của VietinBank (Mã: CTG), Ngân hàng Quân Đội (Mã: MBB), Ngân hàng Quốc Tế (Mã: VIB), Ngân hàng Á Châu (Mã: ACB) …
Ngoài ra còn có thêm 445 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng Việt Á đăng ký giao dịch ở UPCoM hôm 20/7.
Số cổ phiếu CTG tăng lên mạnh nhất ngành ngân hàng trong ba tháng qua. Đồng thời vốn hóa của mã này cũng nằm trong nhóm sụt sâu nhất, từ 196.200 tỷ đồng còn 143.000 tỷ đồng, tức là giảm 2,3 tỷ USD.
Tại ngày 30/6, vốn hóa VietinBank đứng thứ 5 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Vinhomes (Mã: VHM), Vingroup (Mã: VIC) và Vietcombank (Mã: VCB).
Đến cuối tuần trước, VietinBank đã tụt xuống vị trí thứ 14, xếp sau nhiều nhà băng khác như Techcombank (Mã: TCB), BIDV (Mã: BID), hay VPBank (Mã: VPB). Vốn hóa của các ngân hàng này đều giảm, nhưng không đến mức gây sốc như VietinBank.
Vietcombank vẫn giữ được ngôi đầu toàn thị trường nhưng giá trị niêm yết cũng bay hơi 76.000 tỷ, tương đương 3,3 tỷ USD. Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng lao dốc vốn hóa là BIDV – một nhà băng quốc doanh khác – với mức giảm xấp xỉ 34.000 tỷ.
Tổng cộng, vốn hóa cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm 266.000 tỷ đồng (11,5 tỷ USD) trong ba tháng qua, tại ngày 1/10 còn lại 1,68 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, giá trị cổ phiếu toàn thị trường dù giảm sâu trong tháng 7 nhưng đã dần hồi phục trong tháng 8-9, hiện nay đạt 6,85 triệu tỷ đồng, xấp xỉ con số cuối tháng 6. Vì vậy, tỷ trọng vốn hóa của nhóm ngân hàng đã tụt gần 4 điểm %, từ 28,4% vào ngày 30/6 xuống còn 24,5% ngày 1/10.
Cổ phiếu TPB của TPBank đi ngược đám đông khi giá liên tục lập kỷ lục trong các phiên cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Đây là cổ phiếu ngân hàng duy nhất đang giao dịch ở đỉnh lịch sử, vốn hóa tăng hơn 10.500 tỷ so với ngày 30/6.
Trong tháng 9, TPBank đã bán riêng lẻ thành công 100 triệu cổ phiếu với giá 33.000 đồng/cp cho 14 nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước, thu về 3.300 tỷ đồng.
Chứng khoán HSC cho rằng đợt tăng vốn này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng và quản trị rủi ro.
Dựa trên số liệu ở báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2021, HSC ước tính vốn chủ sở hữu của TPBank sau khi phát hành riêng lẻ sẽ tăng khoảng 16,2% lên 23.563 tỷ đồng; từ đó hệ số CAR ước tính tăng từ 12,85% lên 14,5-15%, giúp TPBank trở thành một trong ba ngân hàng thương mại có hệ số CAR cao nhất.
Hệ số CAR tăng sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng trong tương lai và giúp cải thiện khả năng ứng phó trước những sự kiện bất ngờ gây ảnh hưởng đến chất lượng tài sản.
Trong quý III vừa qua, TPBank đã được Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10,5% lên 17,4%, mức cao nhất trong ngành ngân hàng và tương đương với Techcombank.
Vì tất cả cổ phiếu phát hành thêm đều do NĐT trong nước mua vào nên tạm thời TPBank còn hở room ngoại. Tuy nhiên HSC cho rằng nhà băng này sẽ kín room rất nhanh.