|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng nào là quán quân tăng giá sau 9 tháng đầu năm?

18:45 | 30/09/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân bứt tốc trong quý III, trở thành mã ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất sau 9 tháng đầu năm với mức tăng đạt 170%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng "big4" lại là những mã xếp cuối trong bảng xếp hạng này.

NVB quán quân tăng giá sau 9 tháng đầu năm

Cổ phiếu ngân hàng vẫn là một trong những nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm nay đã chứng kiến sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu này, giúp VN-Index "thăng hoa" lên hơn 1.420 điểm hồi đầu tháng 7.

Tuy nhiên, sang quý III, diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng gần như trái ngược với nửa đầu năm khi hầu hết mã đều giảm trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, triển vọng của ngành trở nên kém khả quan hơn. Song, nếu so với thời điểm đầu năm, phần lớn các mã trong nhóm cổ phiếu này vẫn có được hiệu suất đáng chú ý.

Xét chung trong 9 tháng, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân là mã tăng mạnh nhất toàn ngành với mức tăng trưởng đạt 170%. Cổ phiếu ghi nhận đà tăng mạnh kể từ nửa cuối tháng 7, trước những thông tin về việc bà Bùi Thị Thanh Hương, nguyên Tổng Giám đốc Sun Group được bổ nhiệm vào ghế Chủ tịch HĐQT của ngân hàng.

Hồi đầu tháng 9, cổ phiếu này từng lên cao kỷ lục tới mức giá 34.700 đồng/cp, tức tăng 247% so với đầu năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu NVB đã liên tiếp điều chỉnh giảm, xuống còn 27.100 đồng/cp kết phiên 30/9.

Xếp sau đó là cổ phiếu VPB của VPBank với mức tăng hơn 103%. Cổ phiếu này đã liên tục giảm mạnh trong tháng 7, song đã dần hồi phục trong hai tháng còn lại của quý III. Kết phiên 30/9, giá cổ phiếu VPB dừng ở mức 67.500 đồng/cp, chỉ còn thấp hơn gần 7% so với đỉnh cũ.

Trong khi đó, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank vẫn chưa thấy đáy mới. Với giá 21.650 đồng/cp kết ngày 30/9, đây là mức thấp nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 5 vừa qua. Dù vậy, xét chung sau ba quý đầu năm, LPB vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 96%.

Ngoài ra, một số mã cổ phiếu ngân hàng tư nhân lớn như SHB, MBB, TCB, STB,... ghi nhận mức tăng dao động từ 52 - 69% trong 9 tháng vừa qua.

Cổ phiếu ngân hàng nào tăng mạnh nhất sau 9 tháng đầu năm? - Ảnh 1.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Cũng trong cùng khoảng thời gian này, ba "ông lớn" ngân hàng là CTG, VCB và BID lại là những mã có hiệu suất thấp nhất. Trong khi cổ phiếu CTG của VietinBank vẫn đạt được mức tăng 13,6%, thì VCB của Vietcombank chỉ nhích nhẹ 0,6%. Thậm chí BID lại "một mình một hướng" khi giảm 16,7% xuống còn 39.450 đồng/cp.

Mặt khác, diễn biến của của nhóm cổ phiếu ngân hàng "big4" được phản ánh khá hợp lý khi đây là những nhà băng hỗ trợ nhiều nhất cho khách hàng trong đợt dịch vừa qua.

Cụ thể, trước những ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Chính phủ kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để đồng hành với khách hàng cùng chống chọi và vượt qua đại dịch.

Trong đó, ngoài Agribank ra, số tiền lãi mà BIDV, VietinBank và Vietcombank đã giảm cho khách hàng tính từ giữa tháng 7 tới nay lần lượt là 1.032 tỷ, 857 tỷ và 943 tỷ đồng, cao nhất toàn ngành và đều gấp bằng lần so với các ngân hàng tư nhân.

Sẽ có sự phân hóa trong những tháng cuối năm

Trước đó, theo dự báo triển vọng nửa cuối năm của các chuyên gia, hầu hết đều cho rằng trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng  trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, các ngân hàng có có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.

Điều này phần nào được thể hiện tại một số mã như MSB, TPB, VPB hay OCB. Giá của những cổ phiếu này không sụt giảm quá nhiều so với đỉnh cũ, hay thậm chí cổ phiếu TPB còn lập đỉnh lịch sử mới.

Ngược lại, một số ngân hàng không có nhiều dư địa để đẩy mạnh tín dụng, cơ cấu nguồn thu tập trung hay hết những "câu chuyện riêng", giá cổ phiếu cũng được phản ánh rõ rệt.

Song, về dài hạn, giới phân tích vẫn có cái nhìn khả quan về nhóm cổ phiếu ngân hàng, kỳ vọng sự phục hồi của ngành sau khi nền kinh tế được mở cửa trở lại.

Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc đầu tư Quỹ SSIAM, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay, và có câu chuyện riêng chẳng hạn như câu chuyện tăng vốn để làm động lực cho tăng trưởng trong dài hạn, không chỉ trong nửa cuối năm nay và cả các năm sau nữa.

Lê Huy